Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

‘Đội đặc nhiệm’ Covid-19 ở nước ngoài đồng hành chống dịch với quê hương

PV - 09:41, 10/08/2021

Thành lập mới được năm tuần, AVSE Global Taskforce Covid-19 – nhóm phản ứng nhanh Covid-19 của Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã tham gia hoạt động tích cực với mong muốn đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch.

Đội ngũ chuyên gia của AVSE Global Taskforce Covid-19. (Nguồn: AVSE Global)
Đội ngũ chuyên gia của AVSE Global Taskforce Covid-19. (Nguồn: AVSE Global)

Góp sức cho quê hương

Ra mắt kịp thời và nhanh chóng giữa mùa dịch, AVSE Global Taskforce Covid-19 gồm khoảng 20 chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau y tế, kinh tế, giáo dục, công nghệ và truyền thông.

Đặc biệt, nhóm có đội ngũ chuyên gia, bác sỹ với rất nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y tế tại các nước như Giáo sư-Tiến sĩ- Bác sĩ (GS.TS.BS) Đinh Xuân Anh Tuấn, Bệnh viện Cochin (Paris, Pháp), thành viên Taskforce - Hội chứng Covid mãn tính của Liên minh châu Âu; TS. BS Nguyễn Nhất Linh - Chương trình chống lao toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (Thụy Sỹ); BS. TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney (Australia); TS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Chuyên gia cao cấp Sinh Y, Bệnh viện Đại học Aalborg (Aalborg, Đan Mạch); BS. TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ)...

Mục tiêu của nhóm là nghiên cứu, tư vấn các giải pháp ứng phó với Covid-19, đặc biệt về y tế, công nghệ, như phần mềm tracking, thời gian cách ly, trang bị y tế cho bệnh viện...

Trong dài hạn, nhóm tiếp tục nghiên cứu, tư vấn các giải pháp phục hồi và tạo đề phát triển nền kinh tế (chẳng hạn như xuất khẩu mặt hàng gì khi nền kinh tế vẫn bị phong tỏa...), các giải pháp y tế để làm chủ y học, thích ứng với những biến động trong tương lai. Bên cạnh việc thúc đẩy tìm kiếm nguồn hỗ trợ về y tế, nhóm còn đưa ra các báo cáo, trong đó bao gồm các đề xuất chính sách cho lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương.

TS. Nguyễn Thị Thu Hiền ở Đan Mạch cho biết, với các thành viên của AVSE Global Taskforce Covid-19, quê hương luôn là “chùm khế ngọt”. Dù đến từ hơn 10 quốc gia và trong điều kiện kết nối không thuận lợi do dịch bệnh nhưng họ đều có chung sự đồng lòng và mong được góp sức cho quê hương trong cuộc chiến chống Covid-19.

Sinh sống và làm việc ở Pháp đã hơn 50 năm, GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn cũng tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của nhóm nhằm đóng góp sự hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Hiểu biết hơn về Covid-19 và vaccine

Nhận thức Covid-19 và vaccine là những câu chuyện đang nhận được sự quan tâm, chú ý của các phương tiện thông tin, đặc biệt là dư luận trong nước, mới đây, AVSE Global đã liên tiếp tổ chức hai cuộc hội thảo trực tuyến quan trọng về chủ đề này.

Hội thảo nhận được sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế của AVSE Global Taskforce Covid-19 với những thông tin hữu ích và cái nhìn chuẩn xác nhất về các kiến thức y tế nhằm an tâm chống dịch, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của vaccine trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Tại đây, GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn đã có những chia sẻ nhằm tăng cường hiểu biết về cơ chế hoạt động của virus SARS-CoV-2 cũng như vai trò quan trọng của vaccine trong việc đẩy lùi dịch bệnh

Chuyên gia y tế tại Pháp cũng cho rằng vaccine có nhiệm vụ “bật đèn xanh” cho hệ miễn dịch của con người có thể nhận diện tiêu trừ virus. Ông có sự ví von thú vị và dễ hiểu khi cho rằng, vaccine giống như “chiếc kẹo cao su” dùng để dính vào chiếc “ổ khóa” mà virus có thể tìm đến xâm nhập vào cơ thể con người. Theo ông, việc tiêm vaccine không chỉ giảm sự lây lan, tỷ lệ tử vong mà còn ngăn ngừa sự phát triển không ngừng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Làm việc tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TS. BS Nguyễn Nhất Linh cũng khẳng định vai trò rất lớn của vaccine trong việc thanh toán và loại trừ các bệnh truyền nhiễm. Ông cho biết, các đánh giá và khuyến cáo của WHO về vaccine đều dựa trên các số liệu khoa học, được phân tích, tổng hợp từ nhiều nghiên cứu và dữ liệu khác nhau. Bởi vậy, người dân khi thực hiện phòng chống dịch cần dựa trên các bằng chứng khoa học và đặt niềm tin vào các tổ chức được giao trách nhiệm này như WHO.

Ủng hộ về chiến lược chống dịch của Việt Nam

Nhìn chung, các chuyên gia y tế của AVSE Global Taskforce Covid-19 đều nhận định rằng, việc tiêm chủng vaccine rất quan trọng và lịch sử đã chứng minh rằng rất nhiều bệnh lây truyền đã được khống chế hoặc thanh toán nhờ vào vaccine như bại liệt, mô cầu não, thủy đậu... Dưới góc độ chuyên môn, các chuyên gia đánh giá rất cao nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam về chiến lược vaccine với những giải pháp chống dịch quyết liệt trong suốt thời gian qua.

Theo các chuyên gia quốc tế, dịch Covid-19 tại Việt Nam trở nên ngày càng phức tạp, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. Bởi vậy, trong bối cảnh nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên do dự hay chờ đợi vaccine, mà hãy tiêm ngay khi có thể.

TS.BS Nguyễn Nhất Linh nhấn mạnh: “Vaccine vẫn có tác dụng với hầu hết các loại biến chủng. Dù biến thể Delta có gây ảnh hưởng tới tác dụng của vaccine, nhưng hiệu quả bảo vệ chống bệnh nặng và tử vong vẫn là tốt và đúng với tất cả các loại vaccine được phê duyệt hiện nay. Tác dụng phụ của vaccine sẽ có, nhưng tỷ lệ không phải là lớn, đặc biệt như sốc phản vệ rất hiếm. Tiêm vaccine không chỉ để bảo vệ cho chúng ta khỏi lây nhiễm, nguy cơ tử vong, mà còn thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ gia đình và cộng đồng xung quanh”.

Với GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn thì cùng với việc giãn cách xã hội, việc có đủ số lượng vaccine là điều cần thiết và khẩn cấp hiện nay. Theo ông, Việt Nam đã và đang có những nỗ lực vượt bậc để giải quyết vấn đề khó khăn này và người dân cần đặt niềm tin về chiến lược chống dịch của Chính phủ.

Là giảng viên lâm sàng cao cấp tại Đại học Sydney (Australia), BS. TS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Quốc gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cho biết, bà đã cùng nhóm đồng nghiệp sáng lập trang web phi lợi nhuận vaccine Covid-19 tại Việt Nam (vacxin-covid.com).

Không chỉ cung cấp thông tin cụ thể về các loại vaccine, trang web này còn cung cấp nhiều tiện ích với nguồn tham khảo tin cậy và được kiểm chứng khoa học: người truy cập có đủ tiêu chuẩn tiêm vaccine không, đăng ký tiêm chủng vaccine, trả lời thắc mắc của những người tiêm vaccine...

BS.TS Nguyễn Thu Anh chia sẻ: “Tôi đã tiêm an toàn hai mũi vaccine Covid-19 của AstraZeneca, dù đã bị sốt, đau người và mệt mỏi. Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay, thì việc chúng ta cần làm là giữ tâm bình tĩnh, truyền thông vui vẻ và lạc quan hơn để chống dịch bệnh”.