Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đội chiêng nữ duy nhất của người Ê Đê

Lê Hường - 06:58, 11/11/2022

Bên dòng sông Krông Ana hiền hòa, người Ê Đê Bih (một nhánh của dân tộc Ê Đê) ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana sở hữu những đặc trưng văn hóa không nơi nào trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có được. Bởi chỉ có người Ê Đê Bih ở đây cho phép, khuyến khích phụ nữ đánh cồng chiêng. Cho đến nay, bao nhiêu thế hệ phụ nữ Ê Đê Bih vẫn miệt mài gìn giữ chiêng Jho như báu vật. Có thể nói, từ nhiều năm qua, Buôn Trấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn văn hoá, đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 hiện đang được triển khai trên địa bàn cả nước.


Đội chiêng nữ Ê Đê Bih biểu diễn tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk
Đội chiêng nữ Ê Đê Bih biểu diễn tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk

Chiêng Jho bên dòng sông mẹ

Bên dòng sông mẹ (sông Krông Ana) hiền hòa, đội chiêng trẻ gồm các bé gái ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana hợp xướng bài chiêng “Đón khách” trước sân nhà văn hóa cộng đồng buôn làm dịu đi nắng gió của mùa khô.

Kế tục đánh chiêng từ người mẹ quá cố là nghệ nhân H’Ríu Hmok, chị H’Lâm Hmok, thành viên đội chiêng nữ miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho trẻ em gái trong buôn. Chị H’Lâm kể: từ khi còn là cô bé học mẫu giáo, H’Lâm đã theo mẹ đến các lễ hội và xem mọi người đánh chiêng. Đến năm lên 7 tuổi H’Lâm được mẹ dạy cách đánh chiêng, kể về phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của người Ê Đê Bih. Yêu tiếng chiêng Jho chị không chỉ hiểu mà thuộc nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc mình. “Dạy chiêng cho thế hệ trẻ là rất cần thiết, vì nhiều nghệ nhân giỏi của đội chiêng đã già và về với tổ tiên, như mẹ của mình - nghệ nhân H’Ríu Hmok, Đội trưởng đội chiêng nữ của buôn cả đời tâm huyết với chiêng nữ cũng vừa qua đời cách đây mấy tháng. Bây giờ mình nối nghiệp mẹ, truyền dạy đánh chiêng cho trẻ em trong buôn, để chúng hiểu mà giữ gìn giá trị văn hóa vô giá này”.

Chiêng Jho không đơn thuần chỉ là âm nhạc mà mang giá trị văn hóa rất riêng của người Ê Đê Bih. Bởi trong các nhánh của dân tộc Ê Đê chỉ có dòng Ê Đê Bih cho phép phụ nữ đánh chiêng. Dàn chiêng Jho khác biệt so với các dàn chiêng khác. Chiêng Jho của người Ê Đê Bih có 6 chiếc được phân ra thành 3 cặp gồm cặp chiêng mẹ, cặp chiêng bố và cặp chiêng con. Chiêng Jho có kích thước nhỏ phù hợp cho phái nữ cầm đánh. Cùng với trống Hơ gơ, 3 cặp chiêng tạo ra hợp âm đặc biệt.

“Đội chiêng nhí” Ê Đê Bih biểu diễn cồng chiêng, múa xoang sau khi kết thúc khóa học đánh chiêng
“Đội chiêng nhí” Ê Đê Bih biểu diễn cồng chiêng, múa xoang sau khi kết thúc khóa học đánh chiêng

Ông Trần Việt Dụ, cán bộ văn hóa lâu năm của thị trấn Buôn Trấp chia sẻ: Thị trấn Buôn Trấp có 3 buôn đồng bào DTTS tại chỗ, trong đó Buôn Trấp là nơi quần cư của người Ê Đê Bih - một nhánh của dân tộc Ê Đê. Khác với các nhánh của dân tộc Ê Đê, người Ê Đê Bih sống gần sông Krông Na đồng ruộng trù phú, nên người Ê Đê Bih biết làm lúa nước từ rất sớm. Vì thế, văn hóa, phong tục truyền thống của họ cũng có nhiều khác biệt thú vị. Ngay như trang phục, váy của dân tộc Ê Đê dài đến mắt cá chân, màu sắc chủ đạo là màu đen thì người Ê Đê Bih chân váy màu đỏ, ngắn đến đầu gối để thuận tiện cho việc làm lúa nước. Đặc biệt là đội chiêng nữ với bộ chiêng Jho.

Từng có thời gian chiêng Jho đứng trước nguy cơ mai một, bởi đội nghệ nhân tuổi cao mà lớp trẻ chưa thực sự măn mà. Nhờ chính sách bảo tồn văn cồng chiêng được triển khai đồng bộ với những việc làm cụ thể, thiết thực và tâm huyết của các nghệ nhân mà nay Buôn Trấp đã có đội cồng chiêng trẻ và đội cồng chiêng nhí, giúp cho tiếng chiêng Jho của người Ê Đê Bih ngân vang cả buôn làng.

Mỗi năm hè về các bà, các chị ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana lại tập hợp trẻ gái trong buôn đến nhà văn hóa cộng đồng buôn để truyền dạy đánh cồng chiêng Jhô, vừa để thỏa niềm đam mê văn hóa dân tộc mình vừa để truyền lửa cho thế hệ mai sau.

Các nghệ nhân truyền dạy đánh cồng chiêng cho trẻ em gái Ê Đê Bih
Các nghệ nhân truyền dạy đánh cồng chiêng cho trẻ em gái Ê Đê Bih

Nối dài nhịp chiêng 

Buôn Trấp có 565 hộ dân, người Ê Đê Bih chiếm 70%. Đồng bào Ê Đê trước đây chỉ có nhánh Ê Đê Bih có chiêng nữ, còn các nhánh khác việc đánh chiêng dành cho nam giới.

Không chỉ mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tặng cho đội chiêng Buôn Trấp 1 bộ chiêng Jho và 30 bộ trang phục truyền thống. Điều đó tiếp thêm động lực cho các thế hệ trẻ người Ê Đê Bih nỗ lực hơn trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Cả đời gắn bó với chiếc trống dẫn nhịp cho cả đội chiêng Jho hợp tấu, Nghệ nhân H’Săn kể: Khoảng 6-7 năm trước, khi các thành viên trong đội chiêng tuổi đã cao không thể đi biểu diễn như trước, đội nghệ nhân chiêng nữ đã đến từng hộ gia đình có con gái trong buôn để vận động tham gia đội chiêng, các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng mà ngành văn hóa tổ chức và hình thành nên đội chiêng nữ trẻ. Đến bây giờ, buôn còn có thêm đội chiêng nữ nhí. “Đội chiêng nữ thế hệ của tôi bây giờ chỉ còn 3 người. Trong đội chiêng nữ chiếc trống chính là linh hồn của đội chiêng nữ Jho. Người Ê Đê Bih chỉ mình tôi biết sử dụng trống nhưng mãi đến bây giờ mới tìm được người kế nhiệm thông qua lớp truyền dạy đánh cồng chiêng”.

Trực tiếp xem các bé gái Ê Đê Bih biểu diễn đánh chiêng, múa xoang, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân - người gắn bó nhiều năm, dành nhiều tâm huyết với công tác bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng Tây Nguyên chia sẻ: Do yếu tố giao thoa văn hóa nhiều đời nên riêng ở Buôn Trấp hình thành nhóm nghệ nhân nữ đánh cồng chiêng. Đây là đội nghệ nhân cồng chiêng nữ duy nhất của đồng bào dân tộc Ê Đê. Đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp nhóm trẻ đánh cồng chiêng ở độ tuổi nhỏ thế này. Các cháu thực hiện rất đúng tiết tấu, giai điệu các bài chiêng, nhịp múa xoang cũng đều, đẹp.