Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Định vị thương hiệu du lịch địa phương từ di sản văn hóa

Trương Vui - Hồng Phúc - 19:45, 27/04/2023

Nguồn lực di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa các DTTS có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh, phát triển du lịch. Nguồn di sản văn hóa này khi được bảo tồn và phát huy giá trị sẽ trở thành yếu tố quan trọng định vị thương hiệu du lịch địa phương. Ngược lại, khi địa phương trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách sẽ là nền tảng cho việc quảng bá, lan tỏa giá trị di sản văn hóa độc đáo của chính dân tộc mình.

Biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách tham quan
Biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách tham quan

Di sản văn hóa là nền tảng định vị thương hiệu du lịch địa phương

Nhờ những dấu ấn văn hóa đặc sắc, sự đa dạng trong phong tục, tập quán, các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam luôn có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển du lịch. Theo đó, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cùng với đó, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh: Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam.

Thực hiện chiến lược đó, thời gian qua, nhiều địa phương đã gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo nên thương hiệu du lịch riêng biệt của địa phương mình để thu hút du khách. Tại nhiều địa phương nơi có đồng bào DTTS sinh sống đã phát triển du lịch gắn với việc sử dụng sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học như các lời hát, điệu múa dân tộc đặc trưng, các phong tục, tín ngưỡng truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa, di vật, cổ vật... , vừa hướng tới bảo tồn di sản văn hóa, vừa tạo thương hiệu du lịch của mỗi địa phương, nhờ đó mang lại nguồn thu cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc và cho địa phương.

Có thể lấy ví dụ tại Tây Nguyên, một trong số nhiều khu vực ở nước ta đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Ngoài lợi thế về phong cảnh đẹp, du lịch Tây Nguyên đã khai thác nguồn lực đặc trưng di sản văn hóa đa dạng của 47 dân tộc cư trú như không gian Văn hóa cồng chiêng, các kiến trúc truyền thống độc đáo như nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ; các lễ hội truyền thống như lễ hội Cồng Chiêng, Cơm Mới; các loại nhạc cụ dân tộc… trong phát triển du lịch tại địa phương mình. Nhờ những điểm nhấn về văn hóa đó, Tây Nguyên phát triển được du lịch với những nét độc đáo và đầy ý nghĩa đặc trưng, thu hút du khách cả trong và ngoài nước.

Hay tại tỉnh Quảng Ninh, những hình thái diễn xướng như hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long, hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, Lễ cấp sắc của người Dao… đã tạo nên một nền văn hóa đa màu sắc. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh định vị thương hiệu du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của đồng bào DTTS tại địa phương. 

Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ là một trong những nét đẹp văn hóa DTTS tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Quảng Ninh
Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ là một trong những nét đẹp văn hóa tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh Quảng Ninh

Phát triển du lịch bền vững gắn với vai trò của di sản văn hóa

Tại Hội nghị - Hội thảo “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch” vừa qua diễn ra tại Phú Thọ, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cũng đã nhấn mạnh sự tác động qua lại chặt chẽ của di sản và du lịch. Theo bà, di sản văn hóa và thiên nhiên được xem là tài nguyên chính, phục vụ cho phát triển du lịch. Đồng thời, thông qua du lịch và các chính sách của nhà nước, đã giúp mang đến lợi ích cho cộng đồng được hưởng lợi từ di sản văn hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước.

Do đó, để phát triển du lịch bền vững gắn với nguồn lực di sản văn hóa thì việc phải bảo vệ và phát triển nguồn lực di sản văn hóa cũng cần được quan tâm. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL), phát triển du lịch bền vững cần phải đánh giá "sức tải" của di sản để có quy hoạch, định hướng phát triển một cách hài hòa, cân bằng với sự nội tại của di sản, không phát triển thương mại quá mức hay tự phát, mà cần tôn trọng di sản để phát triển du lịch một cách bền vững, hài hòa với sự phát triển của xã hội.

Để di sản văn hóa tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch bền vững, các địa phương cần nâng cao nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại địa phương, quảng bá hình ảnh địa phương gắn với giá trị các di sản đó, từ đó tạo dấu ấn và thu hút khách du lịch.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản, đặt di sản văn hóa làm trọng tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiều địa phương, vừa góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản, vừa đóng góp vào quá trình định vị, tăng trưởng chung của ngành du lịch, cũng như vào quá trình phát triển du lịch của địa phương, đặc biệt là vùng DTTS.