Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điều làm nên hương vị đặc trưng cho rượu ghè 3 sao của người Ba Na

Ngọc Thu - 08:57, 14/07/2022

Từ lâu, rượu ghè đã gắn bó với đời sống của bà con DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Tuy nhiên, điều làm nên hương vị đặc trưng cho rượu ghè 3 sao của người Ba Na ở huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai, chính là bí quyết làm ghè rượu mà lớp con cháu, được thừa hưởng qua bao thế hệ truyền nhân để lại.

Cô gái Ba Na H'Phim cùng bà ngoại H’Phiên làm ra những ghè rượu có hương vị độc đáo, đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh
Cô gái Ba Na H'Phim cùng bà ngoại H’Phiên làm ra những ghè rượu có hương vị độc đáo, đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh

Được làm từ những nguyên liệu tự nhiên như hạt bo bo, bắp (ngô)… nhưng rượu ghè do chị Đinh Thị H’Phim (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ) lại có vị thơm nồng, đậm đà khác biệt. Hương vị đó được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được dân làng truyền tai nhau cho đến bây giờ. 

Mỗi lúc nông nhàn hay vào dịp lễ Tết, chị H'Phim cùng bà ngoại H’Phiên lại tất bật chuẩn bị các nguyên liệu như bo bo và bông cỏ để làm rượu ghè. Hạt bo bo sau khi thu hoạch về đem phơi khô, mang đi xay xát để loại bỏ lớp vỏ trấu và hạt bông cỏ khô được nấu chín, rải ra nia cho nguội rồi rắc men lên. 

Sau đó, trộn đều các nguyên liệu ủ 2 ngày rồi bỏ vào từng ghè. Cuối cùng phủ lên miệng ghè miếng lá chuối, thêm miếng vải đỏ cho đẹp mắt rồi buộc thật chặt nhằm giữ nhiệt và ngăn không thoát hơi men, sau 1 tháng là có thể uống được. 

Hạt bắp, hạt bo bo cùng các nguyên liệu tự nhiên làm nên hương vị chính của rượu ghè
Hạt bắp, hạt bo bo cùng các nguyên liệu tự nhiên làm nên hương vị chính của rượu ghè

Mỗi người đều có cách làm khác nhau mà cho ra ghè rượu cần hương vị khác nhau. Tuy nhiên, điều làm nên khác biệt cho hương vị rượu ghè 3 sao của chị H'Phim, chính là bí quyết làm ghè rượu mà chị H’Phim được thừa hưởng qua bao thế hệ, từ đó, tạo nên rượu ghè bà Tuyết 

Bàn tay khéo léo của cô gái Ba Na - Đinh Thị H’Phim trộn đều các nguyên liệu để ủ rượu. Trong hương thơm dìu dịu từ các nguyên liệu tự nhiên, chị H’Phim khẽ khàng chia sẻ bí quyết để làm nên hương rượu ghè độc đáo. 

“Ở Gia Lai, rượu ghè hầu như nơi nào cũng có, nhưng để làm nên hương vị đặc trưng thì nguyên liệu sẽ là điều quyết định. Hạt bo bo, hạt bắp, bông lau có sẵn trên rẫy, mình lấy về kết hợp cùng men truyền thống và một số loại thảo mộc riêng gia truyền để ủ cùng. Nhờ vậy, những ai đã thưởng thức rượu ghè bà Tuyết, sẽ nhớ mãi hương vị độc đáo này”, chị H’Phim cho hay.

Chiều chạng vạng, vài nhóm người mới đi rẫy về, lần lượt ghé vào nhà chị H’Phim và không quên mua thêm bình rượu ghè. Tối tối, dưới mái nhà sàn, bên bếp lửa hồng, mọi người cùng vít cần thưởng thức. Sau một ngày làm việc vất vả, mọi người gắn kết, sẻ chia, kể cho nhau nghe những vui buồn cuộc sống, hương men chếnh choáng, tỏa hương giữa đại ngàn lộng gió.

Rượu ghè là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ, hội, gia đình xum vầy của người Ba Na
Rượu ghè là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ, hội của người Ba Na

Lúc này, mới thấm thía hết chất men say của núi qua ghè rượu cần của người Ba Na nơi đây. Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở nơi nào. Nhấp một chút rượu cần trên đầu lưỡi không quá cay, sốc khi uống vào mà thấy êm và ngọt dần nơi cuống họng. 

Ông Nhip, làng Bung Bang Hven (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) nhận định: “Rượu ghè của H’Phim ngon, hương vị không lẫn được với các rượu ghè làng khác. Mỗi khi nhà mình có lễ hay gia đình quây quần, thì phải ghé qua nhà H’Phim mua bằng được rượu ghè về mới trọn niềm vui được”.

Đặc biệt, đặc sản rượu ghè bà Tuyết đã vinh dự đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là nguồn động lực, động viên thúc đẩy người DTTS gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, niềm tự hào văn hóa dân tộc. 

Đồng thời, là cơ hội quảng bá sản phẩm có chất lượng, uy tín và mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho đồng bào Ba Na. Hương vị độc đáo ấy đã thu hút được mọi người khắp nơi biết đến như Đà Nẵng, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh…

Mọi người cùng vít cần thưởng thức rượu ghè trong không gian rộn ràng của ngày hội
Mọi người cùng vít cần thưởng thức rượu ghè trong không gian rộn ràng của những ngày hội

Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: Huyện Đak Pơ đã hướng dẫn chị H’Phim - chủ của thương hiệu rượu ghè bà Tuyết, làm thủ tục giấy tờ và tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí đúng theo quy định, gắn nhãn mác, logo chứng nhận OCOP để nâng tầm sản phẩm truyền thống của đồng bào Ba Na. Cùng với đó, tạo điều kiện để hộ gia đình tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp cho đồng bào Ba Na có việc làm, thêm thu nhập ổn định từ nghề truyền thống./.