Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điện Biên: Tạo sinh kế và trao quyền cho phụ nữ DTTS

Thuỳ Giang - 20:20, 06/01/2025

Được sự động viên, hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh, 4 chị em người dân tộc Thái ở bản Na Luông, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn khởi nghiệp và tạo nên thương hiệu “Café Chị Em”. Đến nay, thương hiệu “Café Chị Em” đã có doanh thu từ 500 - 700 triệu đồng/năm.

Chị Tòng Thị Hoài, thành viên “Nhóm Chị Em” thu hoạch cà phê.
Chị Tòng Thị Hoài, thành viên “Nhóm Chị Em” thu hoạch cà phê

Được biết xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng nổi tiếng với cà phê Arabica thơm ngon, chúng tôi háo hức đến nhà chị Lò Thị Tiên ở bản Na Luông để thưởng thức cà phê mang thương hiệu “Café Chị Em”. Chị Tiên không ở nhà mà đang trên đồi thu hoạch cà phê, vậy là chúng tôi lại theo chân anh Tòng Văn Kính, chồng chị lên đồi.

Na Luông mùa này đang là mùa cà phê chín, những cành cà phê Arabica đang chín đỏ, tròn căng. Cà phê được trồng trên đồi có độ cao từ 700 - 1.700m so với mặt nước biển. Na Luông được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu trong lành mát mẻ, thổ nhưỡng màu mỡ, phù hợp với cây cà phê Arabica. Bởi vậy, cà phê nơi đây đã chắt lọc được tinh hoa của núi rừng Tây Bắc, tạo nên vị rất riêng và đặc biệt ấn tượng.

Thương hiệu “Café Chị Em” được tạo lập bởi nhóm 4 chị em dân tộc Thái gồm: Chị Lò Thị Tiên, Tòng Thị Ngoan, Tòng Thị Hoài, Tòng Thị Noọng. Các chị đều xuất thân từ làm nông nghiệp nhưng khi được tư vấn, hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ thì đã mạnh dạn lập nhóm kinh doanh cà phê. Đây là một quyết định táo bạo bởi các chị vốn chỉ quen làm nông nghiệp, chưa có kinh nghiệm kinh doanh nên phải học mọi thứ. Đầu tiên là học cho thạo tiếng phổ thông, học kĩ thuật trồng trọt, chăm bón, thu hoạch, chế biến cà phê, học kiến thức kinh doanh, thương mại…

Một khâu trong quy trình sản xuất “Café Chị Em”.
Một khâu trong quy trình sản xuất “Café Chị Em”

Chị Lò Thị Tiên chia sẻ, ban đầu cũng cảm thấy lo lắng lắm, nhưng được các chị cán bộ phụ nữ động viên, thúc đẩy nên chị em quyết tâm làm. Cũng may là các hộ gia đình đều có sẵn diện tích trồng cà phê từ 8 - 9ha/hộ nên không lo thiếu nguyên liệu. Những năm gần đây, vườn cà phê phát triển đã cho thu hoạch từ 60 - 80 tấn cà phê tươi mỗi năm. Vào mùa thu hoạch, các chị thuê thêm nhân công thu hái, xay xát, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong bản.

Ban đầu “Nhóm Chị Em” chỉ thu hái, liên kết kinh doanh, bán nhân xanh cho một số công ty sản xuất cà phê tại Hà Nội. Tuy nhiên, từ năm 2019, các chị đã triển khai thêm mô hình sản phẩm cà phê thành phẩm mang thương hiệu “Café Chị Em” do nhóm tự sản xuất. Từ nguồn vốn vay, bốn chị em tiến thành xây dựng khu nhà kính để phơi sấy hạt cà phê, mua thêm máy móc, thiết bị rang, xay cà phê. Sản phẩm làm ra chủ yếu theo phương thức chế biến, ngâm ủ thủ công truyền thống, có sự hỗ trợ của máy móc. “Café Chị Em” là cà phê sạch, nguyên chất, hương vị tự nhiên, thơm ngon đậm đà. Sản phẩm “Café Chị Em” đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2023 và được bán rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chúng tôi vừa nhâm nhi cà phê, vừa hỏi vui: “Thế chồng các chị có ngăn cản gì không khi thấy vợ làm kinh tế, rồi đi đó đây để giới thiệu sản phẩm?”. Anh Tòng Văn Kính, chồng chị Tiên khoát tay: “Không ngăn cản đâu. Chúng tôi cũng giúp những việc nặng, việc khó như vận chuyển, vận hành điện, máy chứ. Có công việc, chung sức vào làm càng vui mà”. Nghe câu chuyện giản dị, biết các chị được trao quyền, được tin tưởng làm kinh tế, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây.

Phụ nữ DTTS giới thiệu “Café Chị Em” tại Hội chợ Thương mại.
Phụ nữ DTTS giới thiệu “Café Chị Em” tại Hội chợ Thương mại

Trong quá trình triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939), tỉnh Điện Biên đã có 2 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ DTTS được tham gia thi thuyết trình và trưng bày sản phẩm tại vòng chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cấp vùng (miền Bắc)”.

Bà Đỗ Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên.

Hiện, sản phẩm “Café Chị Em” đang được hỗ trợ bởi Đề án “Hỗ trợ phụ nữ đưa sản phẩm lên sàn Thương mại điện tử” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên. Sản phẩm được đăng tải trên chuyên mục “Phiên chợ Phụ nữ Điện Biên” của Website Hội cùng với nhiều sản phẩm khác của hội viên, phụ nữ thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Từ địa chỉ uy tín này, sản phẩm của các chị được chia sẻ, nhiều người biết tới và tăng doanh thu. Năm 2023, thương hiệu “Café Chị Em” đã có doanh thu 500 triệu đồng.

Bà Đỗ Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên cho biết: Bên cạnh các chương trình, dự án hỗ trợ cho phụ nữ, Hội đã chú trọng triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” năm 2024; Tổ chức gian hàng trưng bày tại Hội chợ Xuân năm 2024 nhằm giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã, tổ liên kết, tổ hợp tác, do phụ nữ làm chủ; tổ chức cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp”; hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX do nữ làm chủ. Hội cũng đã thực hiện kênh hỗ trợ phụ nữ đưa sản phẩm đặc sản, nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử…

Có thể khẳng định, từ chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, chị em DTTS ở bản Na Luông đã không ngừng vươn lên, phát triển kinh tế, tự tin làm giàu và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong gia đình và xã hội. 

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.