Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điện Biên: Nhiều vướng mắc trong di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

Hà Thuận - Thúy Hồng - 20:41, 16/11/2020

Điện Biên là một trong những tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là các sự cố lũ quét, sạt lở đất. Những năm qua, công tác cảnh báo, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao đã được quan tâm, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trên địa bàn Điện Biên hiện vẫn có nhiều hộ dân chưa thể di dời đến nơi an toàn.

Lũ quét gây thiệt hại nặng nề tại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên vào ngày 17/8/2020
Lũ quét gây thiệt hại nặng nề tại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên vào ngày 17/8/2020

Mường Chà là 1 trong 6 huyện, thị xã của tỉnh Điện Biên được xác định là địa bàn có nguy cơ sạt lở đất đá cao. Qua rà soát của các cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng hơn 90 hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ quét, sạt lở đất nhưng vẫn chưa được di dời đến nơi ở mới.

Như tại bản Huổi Điết (xã Mường Tùng) có hơn 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Được ngành chức năng cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng tới thời điểm này cũng mới có 19 hộ đồng ý di dời, hiện vẫn còn 13 hộ vẫn vẫn đang sống cách khu vực nguy cơ sạt lở chỉ 20 - 30m.

Một ngôi nhà sàn của gia đình người Thái (xã Pá Khoang) mới xây dựng ngay chân dốc, sát bên vách đất cao (Ảnh TL)
Một ngôi nhà sàn của gia đình người Thái (xã Pá Khoang) mới xây dựng ngay chân dốc, sát bên vách đất cao (Ảnh TL)

Ông Lù Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết: Do người dân có thói quen sinh sống theo từng cụm, phần lớn là anh, em họ hàng nên nếu phải di dời họ cũng yêu cầu được bố trí ở gần nhau. Tuy nhiên, bản đã hết quỹ đất, không thể bố trí cho các hộ dân tái định cư tại một điểm. Bởi vậy việc di dời chưa thể thực hiện.

Còn tại bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) từ năm 2017 đến nay, 63 hộ/287 nhân khẩu luôn bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở đất, đá lăn. Chính quyền địa phương đã lên phương án di chuyển 63 hộ dân này đến địa điểm mới là đồi Phắc Ven, gần đập thủy điện Nậm Núa, cách trung tâm xã Pa Thơm khoảng 1km.

Tuy nhiên, do đồi Phắc Ven thuộc tiểu khu 737, khoảnh 8, với diện tích khoảng 6,5ha thuộc phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ. Liên quan đến rừng nên phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy sẽ rất khó khăn để di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Mặt bằng di dời 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở thuộc bản Si Văn, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên triển khai đã 3 năm vẫn chưa hoàn thành
Mặt bằng di dời 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở thuộc bản Si Văn, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên triển khai đã 3 năm vẫn chưa hoàn thành

Qua rà soát mỗi năm tỉnh Điện Biên có khoảng hơn 100 hộ dân cần được di dời khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên vì thiếu quỹ đất, kinh phí Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ không đủ để tháo dỡ, san gạt mặt bằng, dựng lại nhà khi di chuyển đến nơi ở mới là quá thấp, trong khi đa số hộ phải di chuyển là hộ nghèo nên người dân vẫn chưa thể chuyển đến vùng an toàn.

Theo ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Hàng năm, tỉnh Ðiện Biên luôn chú trọng công tác di chuyển dân ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các phương án di dời và bố trí tái định cư cho người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở gặp nhiều khó khăn về kinh phí và địa điểm tái định cư cho người dân. Do nguồn vốn dự phòng địa phương rất hạn hẹp không đảm bảo bố trí đủ cho công tác này mà phải đề nghị Trung ương bổ sung kinh phí, vì vậy việc di dân ra vùng có nguy cơ sạt sở vẫn còn hạn chế.

Thực hiện Quyết định 1776/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh Điện Biên có 874 hộ, với 5.739 nhân khẩu cần bố trí di dời khỏi vùng thiên tai; trong đó, di chuyển tập trung 445 hộ và xen ghép 429 hộ. Nhưng đến năm 2019, tỉnh mới thực hiện hỗ trợ được 621 hộ dân di chuyển khỏi vùng có nguy cơ thiên tai, đạt 63,09% kế hoạch.