Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điểm sáng trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc Gia Rai

Ksor H’Yuên - 08:27, 06/10/2022

Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cùng với tâm huyết, tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc Gia Rai, chị Ksor H’Nhi đã thành lập Câu lạc bộ “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai” của xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) cho thế hệ trẻ. CLB truyền dạy cồng chiêng đã góp phần bảo tồn, lan tỏa và phát huy di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Gia Rai trong quá trình hội nhập và phát triển.

Một buổi sinh hoạt cồng chiêng của CLB "Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rrai" xã Ia Rbol
Một buổi sinh hoạt cồng chiêng của CLB "Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rrai" xã Ia Rbol

Quy tụ người yêu chiêng vào CLB

Chia sẻ về quá trình thành lập CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai”, chị Ksor H’Nhi cho biết: Qua đọc báo, xem truyền hình và theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mình nhận thấy nhiều dân tộc đã bảo tồn, phát huy rất tốt các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong đời sống văn hóa tinh thần và phát triển du lịch. Người Gia rai ở xã Ia Rbol cũng có di sản văn hóa rất phong phú, nhưng làm cách nào để bảo tồn?

“Trong một lần “lướt” facebook, mình vô tình thấy trang fanpage của Hội đồng Anh và Viện văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam ViCas đang triển khai một cuộc thi viết ý tưởng về gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Trong đầu mình chợt nghĩ ngay đến chủ đề gìn giữ văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai. Sau đó mình tham gia viết ý tưởng rồi gửi bài thi cho Ban Tổ chức. Rất may mắn, ý tưởng của mình được lựa chọn tài trợ cho việc ra mắt và duy trì CLB sinh hoạt cồng chiêng”, chị Ksor H’Nhi chia sẻ.

Ban đầu, chị H’Nhi cảm thấy vui mừng vì ý tưởng thành lập CLB truyền dạy cồng chiêng của mình được chọn tài trợ. Song chị cũng rất lo lắng, bởi việc thành lập CLB không khó, nhưng việc duy trì sinh hoạt thường xuyên, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng lại không hề dễ dàng.

Bằng tâm huyết, quyết tâm gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, cộng với sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tháng 2/2021, CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai” chính thức được thành lập. Với vai trò chủ nhiệm CLB, chị H’Nhi đã chủ động tập hợp các nghệ nhân, già làng, những người biết chỉnh chiêng, thanh niên trong xã biết chơi cồng chiêng, múa xoang tham gia sinh hoạt CLB.

Đến nay, CLB đã phát triển lên 50 thành viên, trong đó có 30 thành viên nam tham gia chơi chiêng, 20 thành viên nữ múa xoang. CLB duy trì sinh hoạt vào các ngày cuối tuần, định kỳ 2 lần/tháng, mỗi buổi sinh hoạt từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Thời gian linh hoạt để phù hợp với từng hoàn cảnh, công việc của mỗi thành viên. Những lúc nông nhàn, số buổi sinh hoạt có thể tăng thêm, còn thời điểm bước vào mùa vụ thì thời gian sinh hoạt có thể giảm xuống.

Là 2 thành viên lớn tuổi nhất trong CLB, ông Siu Nhơn (quản lý CLB) và ông Ksor Tuân (phụ trách chỉnh chiêng) có nhiệm vụ hướng dẫn, dạy cách chỉnh chiêng, chơi chiêng cho các thành viên nam. Còn các thành viên nữ thì linh hoạt, chủ động trong việc luyện tập múa xoang. Trong nhóm sẽ chọn một vài người múa đẹp, thuần thục trực tiếp dạy cho những thành viên khác để mỗi khi tham gia hội thi, hội diễn, cả đội cùng múa đều, múa đẹp.

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng

Các thành viên của CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai” xã Ia Rbol duy trì sinh hoạt tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Rưng Ma Nin.
Các thành viên của CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai” xã Ia Rbol duy trì sinh hoạt tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Rưng Ma Nin.

Tại xã Ia Rbol, cứ đến kỳ sinh hoạt là tiếng chiêng lại ngân lên thay cho lời thông báo. Các thành viên trong CLB chỉ cần nghe tiếng chiêng ngân vang từ nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn Rưng Ma Nin là sẽ gọi nhau tập trung về địa điểm sinh hoạt để cùng tập luyện đánh chiêng, múa xoang và ca hát. “Mỗi buổi sinh hoạt, không chỉ có các thành viên trong CLB tụ họp, sinh hoạt mà nhiều cụ già, trẻ con ở các buôn cũng đến xem, thưởng thức các bài chiêng, múa hát,… Ai nấy đều hào hứng, phấn khởi”, ông Nay Nhơn - quản lý câu lạc bộ chia sẻ thêm.

Bên cạnh những thành viên lớn tuổi, giàu kinh nghiệm trong việc chỉnh chiêng, chơi chiêng, các thành viên độ tuổi thanh niên cũng luôn cố gắng học hỏi, lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng truyền đạt của các thế hệ trước để hoàn thiện kỹ năng chơi chiêng, múa xoang ngày càng hay hơn, đẹp hơn.

Anh Kpă TơGrai, nhà ở buôn Rưng Ma Đoan chia sẻ: “Được trở thành thành viên của CLB truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai, tôi rất vui và tự hào. Tôi được học hỏi nhiều điều bổ ích từ các thế hệ cha anh đi trước, nhất là kỹ năng chỉnh chiêng, chơi chiêng. Đây là môi trường tuyệt vời để thế hệ trẻ như tôi thêm hiểu biết về văn hóa dân tộc mình, từ đó tiếp tục phát huy trong đời sống hằng ngày”.

Dù chỉ mới thành lập song CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai” xã Ia Rbol đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong các hội thi, hội diễn văn hóa, cồng chiêng cấp tỉnh và thị xã. Tiêu biểu như tại Ngày hội văn hoá các DTTS tỉnh Gia Lai, lần thứ nhất - năm 2022, CLB đã giành giải Ba diễn xướng cồng chiêng; tại Hội thi văn hóa cồng chiêng các DTTS thị xã Ayun Pa lần thứ hai năm 2022, CLB giành giải Nhì diễn xướng cồng chiêng,…

Bên cạnh việc tham gia các hội thi, hội diễn tại tỉnh, thị xã, CLB còn tích cực tham gia phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng,... Chị Rơcom Bình Nguyên, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ia Rbol cho biết: “Trước đây mỗi buôn đều có đội cồng chiêng riêng. Tuy nhiên, thành viên trong đội không ổn định nên khó khăn trong việc duy trì tập luyện. Việc thành lập “CLB truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai” là một mô hình cần thiết nhằm tập hợp những người yêu thích chơi cồng chiêng, nhất là các bạn trẻ. Đoàn Thanh niên sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các điều kiện cần thiết giúp CLB duy trì luyện tập, tích cực tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài xã để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”.

CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Gia Rai” xã Ia Rbol hiện nay đang trở thành điểm sáng trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống người Gia Rai trên địa bàn thị xã Ayun Pa nói riêng, của tỉnh Gia Lai nói chung.