Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đi tìm cây ớt Ariêu

PV - 11:21, 07/08/2022

Ariêu trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là chim chào mào. Tên loài chim được chọn đặt cho loại ớt bé tý nhưng vị cay, thơm nồng. Dân nghiền ớt, ăn ớt Ariêu rồi thì thôi không ăn ớt vùng khác nữa.

Vườn ớt Ariêu của người dân thôn A Sờ phát triển tự nhiên giữa núi rừng. (Ảnh: Nguyễn Thành)
Vườn ớt Ariêu của người dân thôn A Sờ phát triển tự nhiên giữa núi rừng. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Hương vị của núi rừng

Lễ hội đoàn kết người Cơ Tu và Hội thi thể thao DTTS tỉnh Quảng Nam được huyện Đông Giang đăng cai tổ chức, túi quà gửi tặng khách mời, đại biểu là hai hũ ớt xanh trái li ti, mang thương hiệu Ariêu.

Ông Avô Tô Phương từ Nam Giang qua làm Chủ tịch huyện Đông Giang đã mấy năm nay. Cầm hũ ớt Ariêu tặng anh em làm quà, ông Phương bảo, từ ngày qua Đông Giang, cắn trái ớt Ariêu chính gốc là ông nghiền luôn. Đi công tác đâu cũng nhét túi hũ ớt muối, bữa ăn thiếu trái ớt Ariêu là thiếu vị, mất ngon.

“Ớt Ariêu chính gốc chỉ có ở xã Mà Cooih. Chứ giống ớt đó trồng ở địa phương khác là vị khác liền. Thổ nhưỡng của núi rừng cho vị đặc trưng hiếm có”. Ông Phương vừa nói, vừa mở hũ ớt, bốc mấy trái mời khách thưởng thức. Cũng là dân nghiền ớt, nghe ông Phương nói tôi chảy nước miếng, nhai liền mấy trái. Vị thơm của ớt xanh cay, thơm nồng bốc lên mũi. Ăn xong tôi quyết về tận nơi để được ăn trái ớt giữa rừng.

Phi một mạch lên xã Mà Cooih, rồi gọi điện cho Alăng Diên - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Mà Cooih, anh Diên bảo phải chờ đến trưa mới rảnh, vì đang bận dọn hàng bán ở hội chợ nông sản của huyện. Gần trưa, Diên mới đánh xe tải về, hẹn gặp nhau ở chợ xã nơi HTX mới mở gian hàng giới thiệu sản phẩm ngay bên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bên trong gian hàng chỉ còn mấy hũ ớt Ariêu muối và ít chuối, măng rừng, dứa rẫy… “Mùa lễ hội, ớt Ariêu làm không kịp bán. Khách đặt mua liên tục”, anh Diên cho biết.

Giữa trưa nắng, chúng tôi theo chân Diên vào thôn A Sờ rồi ngược núi đi tìm cây ớt Ariêu trứ danh chính gốc. Dọc đường đi, Diên kể, trái ớt được đồng bào đặt theo tên loài chim chào mào. Chim chào mào ở Đông Giang nổi tiếng bởi giọng hót, được giới mê chim tìm mua với giá cao ngất. “Loài chim chào mào ở Đông Giang này ăn trái ớt rừng, nên tiếng hót rất hay. Chúng ăn ớt rừng chín rồi phát tán giống ớt khắp núi rừng. Người dân tộc Cơ Tu ở Đông Giang nhất là ở xã Mà Cooil tìm những cây ớt dại hái trái để ăn. Ớt có tên gọi Ariêu từ đó”, Diên kể.

Phải mất gần 1 giờ lội bộ, theo đường rừng, chúng tôi đến một khoảnh đất có cây ớt ARiêu của núi rừng. Ớt mọc giữa cỏ hoang, lau sậy, nằm rải rác trong những nương rẫy của đồng bào. Cây nào cũng chi chít trái nhỏ li ti. Có tiếng người, bầy chim chào mào vút bay, chỉ vọng lại tiếng hót líu lo giữa núi rừng. “Bầy chim chào mào đang làm nhiệm vụ nhân giống loài ớt quý đó”, Diên cười nói.

“Ngày xưa ớt mọc dại khắp rừng. Nay bà con được hướng dẫn cách ươm để trồng tập trung dễ thu hái. Bà con trồng tập trung nhưng không bón phân, mà để cây ớt phát triển tự nhiên. Ăn ớt này ăn rồi thì tôi cam đoan anh không nghiền mới lạ”, Diên cười nói rồi hái ớt đưa khách ăn. Ăn trái ớt đã muối của ông Phương ngon, nhưng nay nếm thử trái ớt xanh giữa rừng vị đậm đà hơn. Vị cay, thơm nồng nhớ mãi.

Trái ớt Ariêu bé tý tẹo nhưng có giá trị cao. (Ảnh: Nguyễn Thành)
Trái ớt Ariêu bé tý tẹo nhưng có giá trị cao. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Cây thoát nghèo

Đang chính vụ ớt Ariêu, ớt được HTX thu mua của bà con với giá 300.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trái vụ, có thời điểm giá ớt lên đến 500.000 đồng/kg. Ớt sau khi được thu mua, rửa sạch, phơi ráo nước thì được muối, đóng hũ. Cách muối ớt Ariêu cũng rất đơn giản chỉ có muối hạt, không cho thêm bất cứ gia vị nào. “Chỉ có muối hạt mới bảo quản được vị và màu xanh của trái ớt. Ăn rất đậm đà, có vị đặc trưng.” anh Diên nói.

Mỗi hũ ớt Ariêu nhỏ xíu, sau khi muối đóng hũ có giá 70.000 đồng, Diên cho biết: Có nhiều dịp HTX làm không kịp bán, đơn hàng đặt liên tục. Ớt Ariêu hiện nay không chỉ có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng trong nước, mà đã xuất ngoại. Nhiều người Việt, nhất là người miền Trung đang học tập, làm việc tận châu Âu biết đến ớt này đã đặt mua, gửi qua để dùng. Mỗi hũ ớt xanh muối bằng muối hạt có thể bảo quản cả năm mà không lo hỏng.

“Nhiều người nói giá đó là đắt. Nhưng để hái được một ký ớt không hề dễ. Trái nhỏ tý thế này, các anh hái được một ký ớt đến chiều cũng không xong. Chưa kể, bà con phải băng rừng lội suối, đội nắng, dầm mưa hái cả ngày mới được một ký. Đắt nhưng so với công sức bà con bỏ ra thì rẻ lắm”, anh Diên nói.

HTX Mà Cooil hiện tại có 24 thành viên. Hỏi Diên diện tích ớt Ariêu của HTX bao nhiêu, Diên gãi đầu: “Ớt giữa rừng, bà con trồng rải rác giữa rẫy, chưa thống kê diện tích cụ thể”.

Từ ngày ớt Ariêu được đồng bào canh tác và được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam, đời sống người dân trồng ớt Ariêu ở Mà Cooih khấm khá hơn. Nhà nào có vài trăm gốc ớt ở nương rẫy làm thu nhập, hàng tháng dắt lưng 4 - 5 triệu đồng từ ớt.

Gia đình anh Briu Tuấn (35 tuổi) là một trong những thành viên của HTX Mà Cooih, từ khi biết nhân rộng cây ớt ARiêu thu nhập của gia đình cải thiện. Từ hộ nghèo, gia đình Tuấn đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ cây ớt. Mỗi năm gia đình Tuấn thu hơn 100 triệu đồng nhờ ớt rừng Ariêu. Không riêng gì Tuấn, nhiều hộ gia đình ở Mà Cooih đã giàu lên nhờ ớt, cuộc sống bản làng vùng cao nơi đây dần đổi thay.

“Ớt Ariêu đã được công nhận và gắn nhãn OCOP 4 sao. Cây ớt đã tạo nguồn thu cho bà con giúp người dân nhất là chị em phụ nữ đỡ khổ, nhiều gia đình đã xây nhà, sắm tivi, mua xe máy nhờ những trái ớt bé tý”, Diên cho biết.

Quay lại UBND huyện, hỏi chuyện về cây ớt Ariêu, ông Phương bảo: Giống ớt rừng Ariêu là sản vật đặc trưng chỉ vùng đất Mà Cooih mới cho vị đó. Cũng cây ớt đó, bứng đi qua trồng ở xã khác trồng thì trái khác hẳn, trái to, ăn không còn ngon. Mang về xuôi trồng thì quả to đùng, ăn nhạt thếch.

“Ở Mà Cooih cây ớt đang trở thành cây thoát nghèo. Có đề án, chương trình phát triển diện tích ớt, nhưng tôi lo nhất là việc áp dụng khoa học - kỹ thuật đưa phân bón vào sẽ làm mất vị đặc trưng. Chỉ có để phát triển tự nhiên giữa nương rẫy, không tác động vào mới giữ được đặc trưng. Phát triển nhưng phải bền vững, không chạy theo sản lượng mà đánh mất thương hiệu. Trái ớt bé tý thế kia, nhưng câu chuyện phát triển và giữ được hình dáng li ti thuần khiết, vị đặc trưng là cả câu chuyện không hề nhỏ”, ông Phương nói.