Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Di tích núi Mò O đang bị phá nát

PV - 10:26, 13/05/2019

Núi Mò O là di tích, thắng cảnh thuộc huyện An Nhơn và Phù Cát của tỉnh Bình Định. Từ bao đời nay, núi được xem như là “long mạch” của địa phương nên người dân luôn gìn giữ cẩn thận. Thế nhưng thời gian gần đây, di tích núi Mò O đang bị phá nát do các doanh nghiệp vào khai thác đất chở đi nơi khác khiến người dân bức xúc.

Núi Mò O bị các doanh nghiệp đua nhau “xẻ thịt” để lấy đất. Núi Mò O bị các doanh nghiệp đua nhau “xẻ thịt” để lấy đất.

“Xẻ thịt” núi thiêng

Theo người dân địa phương, núi Mò O còn có tên Mạ Thiên Sơn, trên núi có di tích hố Đá Hang, mã Bảo Hiểm (thường chôn cất con cháu vua chúa nhà Nguyễn), giếng tiên và bàn cờ tiên, cột cờ quân đội… Thế nhưng, theo ông Đặng Ngọc Hùng, người dân thôn Chánh Lý, xã Cát Tường (Phù Cát) kể: Hơn 3 tháng nay, núi Mò O đang dần bị quật ngã bởi nạn khai thác đất, đá trái phép. Các doanh nghiệp khai thác kiểu ồ ạt, cẩu thả làm biến dạng sườn núi, nhiều vị trí bị khoét quá sâu gây nguy cơ sạt lở núi, làm bồi lấp, hoang hóa 2 cánh đồng Mò O và đồng Đình Ngang rộng 8ha nằm sát chân núi Mò O mỗi khi mưa lũ về.

Ông Phạm Tụng (71 tuổi), một đảng viên Chi bộ thôn Chánh Lý bức xúc cho biết: “Mặc dù, tôi ủng hộ UBND tỉnh Bình Định làm đường trục khu kinh tế nối dài. Tuy nhiên, phải làm rõ các vấn đề, ai cho phép doanh nghiệp lấy đất núi Mò O rồi còn ủi phá mồ mả, ảnh hưởng đến ruộng đồng sản xuất của người dân? Ai tự ý bán đất lâm nghiệp trên núi Mò O, tiếp tay cho đất tặc? Ai chịu trách nhiệm trong câu chuyện này hay cứ để dân làng Chánh Lý tự gánh hậu quả?...”.

Một số người dân đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi đến chính quyền địa phương nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đến khi các doanh nghiệp khai thác đất trái phép làm ảnh hưởng đến mồ mả dưới chân núi thì người dân tập trung phản đối, ngăn chặn. Đỉnh điểm vào tối 5/5, bà Trần Thị Bích (60 tuổi, ở thôn Chánh Lý) đã ngồi trước xe tải chở đất của Công ty Bình Diễm (ở TX.An Nhơn, Bình Định) khoảng 5m để phản đối khai thác đất trái phép tại núi Mò O, thì bất ngờ bị ngã, nằm bất tỉnh và sau đó tử vong tại bệnh viện.

Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Phù Cát có văn bản báo cáo vụ việc và Giám đốc Công an tỉnh Bình Định chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc này. Chính quyền xã Cát Tường đã lập biên bản, nhưng chỉ vài ngày sau thì tình trạng trên lại tiếp diễn. Người dân cho rằng, có một số cán bộ, người nhà cán bộ xã đã bán đất trồng rừng trên núi Mò O cho các doanh nghiệp khai thác đất trái phép.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường thừa nhận, có một số cán bộ, người nhà cán bộ đã bán đất tại núi Mò O cho doanh nghiệp khai thác đất trái phép. Cụ thể, ông Võ Tấn Tài (nguyên Bí thư thôn Chánh Lý) bán đất trồng rừng ở núi Mò O cho doanh nghiệp khai thác đất trái phép bị Đảng ủy xã Cát Tường kỷ luật, cách chức Bí thư Chi bộ thôn. Ông Lê Thành Tiến (nguyên Chủ tịch UBND kiêm Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường) bán đất cho Công ty 98 (Công ty Xây dựng Trường Sơn) khai thác trái phép, bị UBND xã Cát Tường lập biên bản, yêu cầu dừng lại. Ông Võ Tấn Sơ (em trai ông Võ Tấn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường) và Đoàn Văn Tuấn (con rể ông Võ Tấn Đông) bán đất trồng rừng trên núi Mò O cho Công ty Bình Diễm khai thác đất trái phép.

Tỉnh sẽ xử lý nghiêm

Ông Trương Bá Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định) khẳng định, trên địa bàn xã Cát Tường hiện chưa có một mỏ đất nào được cấp phép. Núi Mò O không nằm trong quy hoạch để lấy đất, nên việc các doanh nghiệp tự ý đến đây để lấy đất là vi phạm Luật Khoáng sản, hồ sơ môi trường không kiểm duyệt được, phát sinh ô nhiễm môi trường…

Theo UBND xã Cát Tường, từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với người dân thôn Chánh Lý kiểm tra, lập nhiều biên bản vi phạm đối với Công ty Bình Diễm, Công ty 98, Công ty TNHH Xây dựng Tường Quang, Công ty Hiếu Ngọc... do khai thác đất trái phép. Riêng Công ty Bình Diễm bị lập biên bản nhiều lần, cụ thể vào các ngày 12, 16, 17, 22/4 và ngày 5/5. “Trong đó, ngày 22/4, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty Bình Diễm, cũng có mặt tại hiện trường nhưng không hợp tác với đơn vị chức năng, tiếp tục cho các phương tiện đào phá núi Mò O để lấy đất”, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường cho biết thêm.

Chiều 7/5, lãnh đạo UBND huyện Phù Cát đã làm việc với UBND xã Cát Tường, Ban Quản lý dự án công trình giao thông Bình Định, các nhà thầu để đánh giá lại toàn bộ vụ việc người dân phản đối doanh nghiệp khai thác đất trái phép. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng tham gia buổi làm việc và có những chia sẻ: Tỉnh Bình Định chưa cấp phép cho một doanh nghiệp nào khai thác đất tại khu vực xã Cát Tường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng tiến độ thi công dự án đường trục của Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài rồi mua đất của người dân, bỏ qua các thủ tục pháp lý về khai thác đất. Một số doanh nghiệp khác không thi công, nhưng cũng lợi dụng vấn đề thi công dự án đường trục này để khai thác đất.

“Lãnh đạo tỉnh đã ra tận hiện trường để kiểm tra và đã giao Công an tỉnh, Thanh tra giao thông, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND huyện Phù Cát chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp khai thác đất trái phép tại xã Cát Tường theo thẩm quyền”, ông Châu cho hay.

PHƯƠNG LÊ