Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Đi ra khỏi rừng để thoát nghèo

An Yên-CTV - 07:48, 18/10/2024

Rời đất Con Cuông (Nghệ An), chúng tôi cứ mãi nghĩ suy về câu chuyện những người trẻ Đan Lai rời núi, vượt rừng sang xứ người mưu sinh, tìm cách thay đổi cuộc sống. Đó cũng là điều đáng mừng về sự chuyển biến nhận thức, sự nỗ lực, quyết tâm để thay đổi cuộc sống của lớp trẻ; là kết quả từ thực hiện chính sách dân tộc và các chương trình MTQG của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS ở những vùng khó khăn..

Một góc bản Thạch Sơn xã Thạch Ngàn huyện Con Cuông
Một góc bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông

Ra khỏi rừng để thay đổi cuộc sống

Chúng tôi đã có khá nhiều bài viết về người Đan Lai, với những hủ tục lạc hậu; với những đói nghèo, khốn khó của một vùng đất nằm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát – nơi định cư lâu đời nhất của người Đan Lai. Ở nơi đó có những người Đan Lai chưa hề đi ra khỏi rừng. Và ngay cả những người rời rừng sâu, ra định cư ở bản làng nằm sát với cộng đồng người Thái, tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống bên ngoài, thì cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn…

Những năm qua, nhờ nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, nhất là các chương trình MTQG: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, và  nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tê-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, thì người Đan Lai sinh sống tái định cư ở nhiều bản làng, thuộc các xã Môn Sơn, Thạch Ngàn…huyện Con Cuông, được hỗ trợ xây dựng nhà ở, được cấp đất; hỗ trợ cây con giống…Tuy nhiên, cuộc sống của người Đan Lai vẫn rất vất vả. Tại nhiều bản làng như Thạch Sơn, Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn), Cửa Rào, Tân Sơn (xã Môn Sơn), 100% người dân Đan Lai còn là hộ nghèo, cận nghèo. 

Nhưng hôm nay, câu chuyện của nhiều người trẻ Đan Lai rời núi, vượt rừng đi xuất khẩu lao động đã cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Nhưng, cảm xúc của những người thân có con em đi xuất khẩu lao động thì chúng tôi mãi không thể đo đếm hết.

Ông Lê Văn Thắng ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông vẫn không thể quên khoảnh khắc ngày đứa con cả Lê Anh Đức dứt áo đi làm thuê. Tiễn biệt người con sang xứ người làm thuê, trong lòng ông cũng có bao nỗi băn khoăn canh cánh, nhưng tự đáy lòng còn là niềm trông mong, hi vọng cứ mãi lớn đầy theo năm tháng.

Ông Thắng bộc bạch: Tôi thì đau yếu quanh năm, mọi chi tiêu của gia đình đều nhờ vào công việc đi làm thuê của vợ. Cuối năm 2021, nhà tôi vay mượn tiền cho thằng cả đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Hơn 1 năm nay, mỗi tháng nó đều gửi về trên dưới 10 triệu đồng đấy, bằng hơn nhiều so với làm lụng cả năm ở quê.

Ông Thắng kể thêm, quanh quẩn mãi không tìm được cách thoát nghèo, cho đến khi nhà tôi được cán bộ bày cách đi xuất khẩu lao động, rồi hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách, cùng với tiền hỗ trợ của nhà nước, vay mượn họ hàng mới đủ chi phí cho cháu đi. Đến nay, nhà tôi đã trả gần hết nợ, giờ chỉ mong cho con làm thêm được mấy năm nữa để sớm thoát nghèo.

Chung niềm vui có con trai đã đi xuất khẩu lao động, ông La Đình Thám cũng ở bản Thạch Sơn vui vẻ: con tôi là La Văn Trường đã đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan 3 năm đã về Việt Nam trước Tết, nay đang vào Sài Gòn thử tìm việc. Chi phí đi Đài Loan là hơn 140 triệu. Ngoài mỗi tháng nó gửi về được khoảng 30 triệu, cháu nó đi từ năm 2021 đến tháng 4/2023, cũng đã trả hết nợ ngân hàng số tiền vay chi phí đi xuất khẩu lao động. Nếu không tìm được việc hợp lý, thì nó lại đi xuất khẩu lao động tiếp. Chỉ có thế mới có tiền để nhanh thoát nghèo.

Bản Thạch Sơn có 100% hộ dân Đan Lai, là những hộ tái định cư từ năm 2007 theo Đề án Bảo tồn, phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Với mong muốn thoát nghèo, người Đan Lai ở Thạch Sơn đã mưu sinh khắp nơi, trong đó có chuyện sang xứ người làm thuê.

Chia sẻ về niềm vui của những người dân Đan Lai có thu nhập cao nhờ đi xuất khẩu lao động, ông Lô Thanh Huấn, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cũng cho hay: Cả xã có 13 người Đan Lai đi xuất khẩu lao động, hiện cũng đã về lại Việt Nam 10 người, chỉ còn 3 người đang ở Đài Loan. Đi xuất khẩu lao động nếu chăm chỉ sẽ cho thu nhập khá, mở ra hướng thoát nghèo cho bà con.

Trong câu chuyện với những người Đan Lai, chúng tôi được biết, khoản tiền đi xuất khẩu lao động, là từ nguồn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo; nguồn hỗ trợ xuất khẩu lao động từ các chương trình, chính sách… Đây là sự kích cầu rất lớn, để ngày càng có nhiều hơn nữa những người dân Đan Lai ở xã Môn Sơn, Châu Khê và ngay cả Thạch Ngàn mạnh dạn vay vốn xuất ngoại mưu sinh.

Ông Lê Văn Thắng (thứ 2 trái sang) ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn vẫn không thể quên khoảnh khắc ngày đứa con cả Lê Anh Đức dứt áo đi làm thuê - ảnh CTV
Ông Lê Văn Thắng (thứ 2 trái sang) ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn chia sẻ về việc đứa con cả Lê Anh Đức quyết tâm đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo - ảnh CTV

Nguồn trợ lực tạo sinh kế

Xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo, trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội ( LĐTB&XH) Nghệ An, Uỷ ban Nhân dân huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ hợp… đã ban hành kế hoạch hàng năm, giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho các xã thị trấn.

Điển hình như tại Tương Dương, bên cạnh đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhằm tạo động lực cho bà con yên tâm, huyện còn có những chính sách khuyến khích bà con vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tổ chức hoạt động xuất khẩu lao động đi các nước hiệu quả hơn. Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, đến nay, toàn huyện Tương Dương đã có gần 500 người đi xuất khẩu lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Tương Dương cho hay: Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều kênh, đồng thời ký kết với các đơn vị xuất khẩu lao động và đào tạo nghề xuất khẩu lao động chặt chẽ.

Có thể nói, đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động không chỉ giúp cho bản thân người lao động có việc làm, tích góp vốn đầu tư cũng như kinh nghiệm sản xuất. Đây chính là biện pháp thoát nghèo hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thông tin: Năm 2023 được đánh giá là năm có nhiều chuyển biến tích cực trong các tầng lớp Nhân dân về xuất khẩu lao động. Theo đó, huyện đã làm tốt công tác tư tưởng cho người dân nên họ yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước để học nghề, học tiếng và đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, Phòng LĐTB&XH huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức 13 phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu việc làm tại 13 đơn vị, xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện hội nghị tuyên truyền tư vấn cho khoảng 500 học sinh cuối cấp trên địa bàn toàn huyện…

Công tác xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, chính  là một trong những nội dung tiểu dự án 3, Dự án 5, chương trình MTQG phát triển kinhtế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi.

Để thực hiện nội dung này, nguồn vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 79,884 tỷ đồng, các địa phương đã giải ngân 9,733 tỷ đồng, đạt 12,2%. Đối với nguồn vốn năm 2024, đã giao cho các địa phương thực hiện là 37,9 tỷ đồng, hiện nay vẫn nhưng chưa giải ngân được.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.633 lao động là người DTTS, người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào; mua sắm máy móc, trang thiết bị đào tạo cho 3 trường trung cấp thuộc vùng đồng bào; chỉnh sửa 4 bộ chương trình đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp.

Theo báo cáo từ Sở LĐTB&XH, việc thực hiện nội dung của tiểu dự án 3 đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đối tượng thực hiện không nhiều do lực lượng trong độ tuổi lao động đa số không có nhu cầu học nghề, chủ yếu đi làm thuê tại các khu công nghiệp trong nước hoặc xuất khẩu lao động. 

Mặt khác, các đối tượng nằm trong diện này trùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện trong những năm trước nên số lượng ít hơn khi thực hiện theo chương trình MTQG 1719.

Do vậy, cùng với việc giải quyết việc làm bằng con đường xuất khẩu lao động; thì những giải pháp tạo việc làm tại chỗ, ngay chính trên mỗi bản làng là yếu tố rất quan trọng. Bởi vì, việc làm tại chỗ sẽ mang yếu tố bền vững, lâu dài cho chính mỗi lao động; góp phần tạo ra chuyển dịch kép để xây dựng bản làng ngày càng phát triển.

 Việc giải quyết việc làm tại chỗ, còn phù hợp với một số nội dung thực hiện của chương trình MTQG 1719 như dự án 1 về hỗ trợ đất sản xuất, dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tạo việc làm tại chỗ, còn mang một nhiệm vụ quan trọng khác, là đảm bảo đủ nhân lực tại địa phương góp phần vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng và nhiệm vụ chính trị của cơ sở.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.