Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đến năm 2021, ít nhất sáp nhập 16 huyện và 631 xã

PV - 09:54, 10/01/2019

Bộ Nội vụ đã trao đổi với các cơ quan báo chí về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Đề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Bộ Nội vụ đã trao đổi với các cơ quan báo chí về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Đề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp. (Ảnh: PT)

Chiều 9/1, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp.

Sáp nhập huyện, xã chưa đạt 50% về cả hai tiêu chuẩn

Tại cuộc họp nhiều cơ quan báo chí bày tỏ quan tâm tới việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Nội dung của Nghị quyết về cơ bản giữ nguyên như tờ trình của Bộ Nội vụ.

Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu cụ thể, năm 2019 sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật trong đó có quy định liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, rà soát, bổ sung hoặc ban hành quy định mới đảm bảo việc triển khai thống nhất, đồng bộ. Từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về cả hai tiêu chuẩn: diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Ngoài những đơn vị chưa đạt hai tiêu chuẩn nêu trên, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận.

Theo ông, Nghị quyết của Bộ Chính trị không nêu con số cụ thể nhưng theo Đề án Chính phủ trình thống kê từ các địa phương có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập. Ngoài ra, Nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương sắp xếp thêm, tùy tình hình thực tế.

Vụ trưởng Phan Văn Hùng cho biết thêm, “sắp tới Ủy ban Thường Quốc hội ban hành Nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết 37 - NQ/TW của Đảng. Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể. Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ sẽ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể”.

Tại cuộc họp, nhiều cơ quan báo chí cũng quan tâm tới Đề án văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước – đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án cho biết, đây là Đề án tương đối khó, có nhiều ý kiến tranh cãi, từ thuật ngữ văn hóa công vụ, đến các nội dung trong đề án. Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng có đề cập đến vấn đề câu chữ, thuật ngữ liên quan đến đề án. Theo ông, “nếu chỉ chẻ câu chữ thì còn nhiều vấn đề” nhưng Đề án gồm 4 nội dung: về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức; về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.

Ông cho hay, Bộ Nội vụ đã giao Viện Khoa học tổ chức nhà nước phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trong thời gian tới.

Trả lời báo chí về trường hợp bà Vương Mai Trinh - Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP Long Xuyên (SN 1987, con gái Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh) tham gia thi công chức hồi tháng 12/2018 vừa qua, đang gây xôn xao dư luận khi đã được bổ nhiệm nhưng vẫn đi thi công chức, ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho biết, việc tuyển dụng công chức không qua thi tuyển đã được phân cấp thẩm quyền cho các tỉnh. Ông trả lời: “Chúng tôi thực hiện quyết định của Bộ Chính trị hết sức nghiêm túc, nếu có giả mạo về hồ sơ, giấy tờ thì kiên quyết xử lý. Trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế trải dài nên rất phức tạp, nhiều hệ thống văn bản, cách hiểu có thể cũng khác nhau. Ví dự, Nghị định quy định có bằng tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài nhưng chỉ khác chữ “ở” cũng cách hiểu khác nhau. Trong công tác cán bộ, chúng tôi xác định xử nghiêm túc nhưng cũng có tình, có lý”.

Tạm dừng việc sáp nhập sở ngành, phòng ban

Cũng tại họp báo, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ ngày 3/12/2018, trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (phòng, ban), chờ nghị định của Chính phủ.

Lý do, Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan đến việc này, gồm: Dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Hiện hai dự thảo này đã được trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương. “Đây là hai nghị định làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương” – ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.

Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện xong việc hợp nhất một số sở, ban ngành, phòng, ban. Tỉnh Lào Cai đã đi đầu họp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng vào tháng 6/2018; sau đó, tỉnh Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh vào tháng 9/2018.

Đầu tháng 10/2018, thành phố Hải Phòng hợp nhất một số cơ quan Đảng với chính quyên ở cấp huyện, như: Văn phòng Quận ủy với Văn phòng HĐND và UBND quận Hồng Bàng, huyện An Dương; Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ huyện Kiến Thụy; Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kiến Thụy với Thanh tra huyện.

Mới đây, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy Đức Thọ với Phòng Nội vụ huyện, hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng vào tháng 10/2018 cũng đưa ra các phương án thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan như: Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh; Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh; hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ; Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch – Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ...

Trước đó, vào tháng 4/2018, Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ đề xuất chỉ giữ 4 Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế được tổ chức thống nhất trên cả nước. Còn lại hợp nhất, sáp nhập 17 sở, ngành; giảm 46 – 88 sở, ngành trong cả nước./.

THEO BÁO ĐẢNG CỘNG SẢN