Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông thôn mới

Đêm bừng sáng ở Kon Jơ Dri

Tiêu Dao - 12:20, 25/11/2022

Ngôi làng ấy vẫn mang đậm nét xưa, như cái cách của tiền nhân truyền trao lại. Nhưng, đời sống đã khá hơn và đổi thay trong ánh sáng của cuộc sống mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc (áo đen) kiểm tra thực tế tại làng Kon Jơ Dri ngày 31/10 vừa qua
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc (áo đen) kiểm tra thực tế tại làng Kon Jơ Dri ngày 31/10 vừa qua

Đêm ở Kon Jơ Dri

Lũ trẻ ríu rít nghe người lớn kể chuyện làng dưới sân nhà rông của làng Kon Jơ Dri. Cả khoảng sân rộng đã sáng bừng ánh điện. Nhưng lũ trẻ vẫn háo hức lắng nghe chuyện của người già về những đêm khan bập bùng đỏ lửa, về những cơn gió lạnh thổi ầm ào  làm những thân người bên trong những chiếc ponso.

Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thủa trước vẫn là ngôi làng nằm nép mình bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa. Vài chục năm trước đây, Kon Jơ Ri chỉ có vài chục nóc nhà, nằm ẩn sâu về phía đầu con sông Đăk Bla giáp với làng Kon Ktu, vùng đất bên kia sông Đăk Bla khi ấy còn rất hoang sơ. Cuộc sống dẫu nhiều khó khăn vất vả, và dù trải qua những bước thăng trầm và chịu sự tác động của đời sống hiện đại, nhưng làng Kon Jơ Dri vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Ba Na. Kon Jơ Dri được đánh giá là một trong những làng cổ ở thành phố Kon Tum còn giữ được những nét kiến trúc mang đặc trưng riêng của đồng bào Ba Na như nhà Rông cao vút ở giữa làng, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng, hội họp của các già làng. Tỷ lệ nhà sàn truyền thống trong làng hiện cũng chiếm trên 20%; các ngôi nhà sàn được xây dựng vây quanh, hướng về “trái tim” của làng- nhà rông.

Và những hoạt động, nghi lễ văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các lễ hội truyền thống, các bài dân ca cổ, cồng chiêng, múa xoang. Nhiều món ăn mang đặc trưng riêng của nơi đây, như cơm lam, gà nướng, cá sông nướng trên than củi và trong ống lồ ô và những món ăn từ củ, quả, rau rừng, tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn, đa dạng về ẩm thực của làng.

Trong tháng 10/2022, Đoàn công tác của Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum tiến hành thẩm định hồ sơ, đề nghị công nhận làng du lịch cồng đồng Kon Jơ Ri.
Trong tháng 10/2022, Đoàn công tác của Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum tiến hành thẩm định hồ sơ, đề nghị công nhận làng du lịch cồng đồng Kon Jơ Ri.

Kon Jơ Ri trở thành một trong những ngôi làng lớn, rộng với hơn 170 hộ đồng bào dân tộc Ba Na quần tụ bên dòng Đăk Bla hiền hòa. Làng được chia làm 4 tổ, một nửa dân số ở ngôi làng cũ bên kia sông, còn một nửa ở vùng đất mới bên này sông. Trong khuôn viên, nhà nào cũng rợp bóng mát bởi đủ loại cây xanh bao quanh. Một điều mà người làng luôn tự hào, đó là Kon Jơ Dri vẫn còn có căn nhà rông nguyên bản được xây từ năm 1977. Đã qua gần nửa thế kỷ, nhà rông ấy vẫn vững chãi cùng mưa nắng cao nguyên, vẫn lừng lững cùng người làng qua bao thời gian. Nhìn từ xa, mái nhà rông như lưỡi rìu vươn lên bầu trời. Đây được coi là nhà rông bề thế nhất vùng với chiều cao 16 m và chiều ngang 12 m. mặt sàn chỗ rộng nhất ở gian giữa là 6,5m, bóp lại ở hai đầu hồi còn 6m. Phần giáp đỉnh mái tranh có đan liếp bằng tre, hoa văn rất sinh động, vừa để trang trí vừa có tác dụng giữ mái tranh cao vút luôn chịu sức gió lớn thường xuyên. Đây là nơi diễn ra các lễ hội, họp mặt, tổ chức lễ Tết, giao lưu cồng chiêng... của người Ba Na nơi này.

Giữ được văn hóa nguyên bản, người làng còn mạnh dạn làm kinh tế để thoát nghèo. Từ một vùng được xem là “ốc đảo” bởi không có đường thông thương ra bên ngoài. Bây giờ hạ tầng giao thông ở Kon Jơ Ri khá thuận tiện. Ngoài cây “cầu treo Kon Klor lịch sử”, giờ Kon Jơ Ri còn có thêm con đường Tỉnh lộ 671 đi về hướng nam nối với đường Hồ Chí Minh. Kon Jơ Ri giờ đã đổi thay nhiều, làng quê đã khoác lên mình tấm áo mới tươi nguyên, bởi hạ tầng xã hội từng bước được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào dân tộc Ba Na.

Ông Đoàn Văn Hậu – Chủ tịch xã Đăk Rơ Wa cho biết, sau thời gian tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế mới, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao và phát triển du lịch cộng đồng đã từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây. Chính quyền Đăk Rơ Wa đã chủ động xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, vạch ra các tiêu chí cụ thể qua từng năm để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Rồi từ đó, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã là khoảng 100 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 59 tỷ đồng, khoảng 60% kinh phí. Xã Đăk Rơ Wa đã nhựa hóa, bê tông hóa 35 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 3 trạm biến áp, kéo kết nối hoàn thành hệ thống lưới điện quốc gia. Tại địa phương không còn nhà tạm, dột nát, chỉ còn 86/860 hộ nghèo, còn lại thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là gần 40 triệu đồng. Và Kon Jơ Ri là ngôi làng đi đầu trong sự thay đổi đó ở Đăk Rơ Wa.

Nhà rông của làng Kon Jơ Dri vẫn lừng lững như mấy chục năm qua
Nhà rông của làng Kon Jơ Dri vẫn lừng lững dù được xây dựng gần nửa thế kỷ

Hầu hết các tuyến đường giao thông được thảm bê tông hay nhựa đường. Nhiều công trình phúc lợi như trạm y tế, trường học, hội trường thôn, chợ; các công trình dân sinh nhà ở, nhà sàn truyền thống, nhà rông được làm mới hay tu sửa khang trang. Những triền đồi cà phê, bời lời, ngô, sắn, keo tràm rộng bạt ngàn đang phát triển xanh tốt...Ông A Mĩm, một người dân trong làng cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, làng Kon Jơ Dri ngày nay đã có nhiều hộ gia đình làm kinh tế tốt, mỗi năm thu lãi từ 150– 180 triệu đồng từ trồng trọt hay chăn nuôi. Như chính gia đình A Mĩm, từ nguồn thu nhập làm kinh tế nông thôn, ngoài đảm bảo đời sống, còn có tích lũy để xây dựng nhà cửa và nuôi con cái ăn học.

Du lịch xanh ở làng cổ Kon Jơ Dri

Là một ngôi làng cổ, với vẻ đẹp và những nét văn hóa còn được giữ gìn nguyên bản của người Ba Na, Kon Jơ Ri đã thu hút du khách thập phương bởi vẻ đẹp của cảnh vật, thiên nhiên và con người nơi đây. Những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân làng Kon Jơ Dri trong nhiều năm qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nơi đây bằng việc mở ra hướng khai thác và phát huy hiệu quả của loại hình “kinh tế xanh” - du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thời gian qua, chính quyền thành phố Kon Tum, xã Đăk Rơ Wa tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để dân làng Kon Jơ Dri xây dựng làng du lịch cộng đồng. Đến nay, làng Kon Jơ Ri đã hình thành xong “bộ khung” về tổ chức hoạt động du lịch gồm Ban quản lý làng du lịch và 7 tổ phục vụ gồm tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ, tổ cồng chiêng múa xoang, tổ ẩm thực, tổ tiếp đón khách, tổ y tế, tổ vệ sinh cộng đồng, tổ an ninh. Trong làng hiện có 1 homestay của hộ A Mĩm là không gian trải nghiệm hấp dẫn cho du khách về dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu ghè, ẩm thực. Kon Jơ Ri có 2 đội cồng chiêng, múa xoang. Một đội gồm những người lớn tuổi và thanh niên, còn một đội là những em học sinh của làng. Kon Jơ Ri còn có một số nghệ nhân biết sửa chiêng, chỉnh chiêng như già làng A Gưng, A Hưi, A Neih, Y Mai… Những nghệ nhân này rất tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ những nét đẹp văn hóa của dân tộc Ba Na. Vì vậy, giờ đây trong làng rất nhiều trẻ người biết múa xoang, đánh cồng chiêng.

Ngoài ra để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại cộng đồng, UBND xã Đăk Rơ Wa đã phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum mở lớp dịch vụ nhà hàng với tổng số 26 học viên tham gia. Phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố điền dã, khảo sát thực tế 02 đợt và tham vấn ý kiến của già làng, các nghệ nhân tiêu biểu trong làng, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chủ lực như: phục dựng nguyên trạng không gian nước giọt truyền thống và lễ hội cúng giọt nước của người Bah nar. Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc, độc đáo đã được cộng đồng làng gìn giữ suốt gần 100 năm qua, từ khi thành lập làng đến nay.

Ngày nay, người làng Kon Jơ Dri vẫn giữ đậm đà bản sắc văn hóa để xây dựng du lịch trọng điểm bên dòng Đăk Bla
Ngày nay, người làng Kon Jơ Dri vẫn giữ đậm đà bản sắc văn hóa để xây dựng du lịch trọng điểm bên dòng Đăk Bla

Ngày 31/10/2022 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc cũng đã kiểm tra thực tế tại làng Kon Jơ Dri, Homestay Y Maih của hộ ông A Mĩm; không gian tái hiện Lễ hội giọt nước của người dân địa phương; hộ gia đình ông A Mơ giữ gìn nghề đan lát truyền thống... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành đámh giá thẩm định và kết quả là làng Kon Jơ Dri đáp ứng đủ 3/3 tiêu chí của làng du lịch cộng đồng theo quy định. Đó là, có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch và đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực tại làng. Chính quyền xã Đăk Rơ Wa và người dân làng Kon Jơ Dri cũng đang tích cực hoàn thiện những nội dung, phần việc còn thiếu sót hay chưa hoàn chỉnh để đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận làng du lịch cộng đồng.

Bên dòng sông Đăk Bla, ngôi làng vẫn còn đậm nét xưa; cùng thưởng thức rượu cần, đêm đêm những điệu múa xoang truyền thống, những âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã... vẫn vang lên. Kon Jơ Dri đang chuyển mình đón một mùa xuân ấm no, sung túc hơn, khi mà thành quả xây dựng nông thôn mới bao năm qua giờ đã đơm hoa thơm, kết trái ngọt.

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Với quan điểm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Ban Chỉ đạo Nông thôn mới (NTM) tỉnh Trà Vinh đã chủ động tham mưu xây dựng và trình Tỉnh ủy phê duyệt Nghị quyết về xây dựng lộ trình để tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Là cơ quan tham mưu, chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch trình Ban Chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã linh hoạt chọn ưu thế, tiềm năng về nông nghiệp để phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.