Cụ thể, Nghị định xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến, thương mại nông sản nhằm đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, dự thảo Nghị định đề xuất 4 chính sách hỗ trợ chính, bao gồm: Hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; và hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.
Đối với chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, Bộ NN&PTNT đề xuất đưa vào danh mục ưu tiên khuyến khích đầu tư đối với các mô hình sản xuất sản phẩm nông sản đạt nhãn hiệu nông sản Việt Nam; ưu tiên chi hỗ trợ kinh phí khoa học, khuyến nông; tín dụng, đất đai; các chính sách khác liên quan cho các mô hình này.
Bổ sung thêm chính sách đặc thù cho hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình với quy định hỗ 100% kinh phí xây dựng mô hình sản xuất tập trung theo quy mô lớn (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được phép sử dụng).
Đối với hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước, Bộ NN&PTNT đề xuất mức hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ dưới hình thức đề xuất thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hằng năm.
Trong khi đó, đối với hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, Ban soạn thảo Nghị định đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí gia hạn bảo hộ nhãn hiệu nông sản Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; bố trí kinh phí các chương trình tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn, tuyên truyền, phổ biến...