Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Để văn hóa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Minh Thu (thực hiện) - 16:01, 31/01/2022

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách dân tộc, những năm qua, Uỷ ban Dân tộc (UBDT) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu xây dựng chính sách, đạt nhiều kết quả cụ thể. Trong đó, việc triển khai hệ thống chính sách bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống các DTTS được đặc biệt chú trọng, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh về vấn đề này.


Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh thăm hỏi, tặng quà đồng bào DTTS bản Tà Cọ, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh thăm hỏi, tặng quà đồng bào DTTS bản Tà Cọ, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của các DTTS. Dưới góc độ cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng, triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của hệ thống các văn bản, chính sách trong lĩnh vực này đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các DTTS?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh: Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các DTTS, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách. Cụ thể, ngày 09/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025…

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cửa khẩu Tén Tằn và Nhân dân huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cửa khẩu Tén Tằn và Nhân dân huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh: Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!”.

Đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Có thể khẳng định, các văn bản, chính sách của Trung ương đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các DTTS có chủ trương rõ ràng; có căn cứ pháp lý, hướng dẫn, cơ chế phối hợp cụ thể. Sự liên kết cùng các giải pháp toàn diện đã cho kết quả tích cực. Công tác phối hợp, triển khai các văn bản đi vào thực tiễn; đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, hệ thống văn bản mang tính kết nối liên tục có giá trị rất quan trọng trong việc thống nhất hành động của các thế hệ, khắc phục tính nhiệm kỳ.....

Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định.
Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định.

Theo đó, vai trò của UBDT trong việc tham mưu xây dựng, quản lý, triển khai chính sách về bảo tồn văn hoá truyền thống các DTTS đã được thể hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh: UBDT là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Hiện, UBDT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu xây dựng chính sách, đạt nhiều kết quả cụ thể. Mỗi giai đoạn khác nhau có chính sách phù hợp khác nhau. Các chính sách đều đáp ứng được nhiệm vụ chính trị các thời kỳ. Với hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc đến tận các cơ sở, với đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc chuyên trách am hiểu vùng, có nhiều cán bộ là người DTTS nên am hiểu phong tục, tập quán, văn hoá của đồng bào các DTTS; cụ thể hoá các chính sách, để các chính sách sát thực tế, đi vào đời sống Nhân dân.

Trong chỉ đạo triển khai chính sách, UBDT là cơ quan điều phối, giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý Nhà nước về các dự án, đề án triển khai ở cơ sở thông qua cơ quan làm công tác dân tộc cấp dưới và UBND tỉnh. Kiểm tra, giám sát, điều chỉnh chính sách, bổ sung chính sách, thu thập tổng hợp, sơ kết, tổng kết; hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện chính sách...

Với hệ thống các chính sách bảo tồn văn hoá khá dày dặn như hiện nay, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về tác động của các chính sách qua quá trình triển khai thực tiễn trong những năm qua?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh: Về tác động chính sách thời gian qua, đã có nhiều kết quả cụ thể, tạo sức lan toả sâu rộng. Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS nước ta đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống các DTTS được bảo tồn và phát huy. Đời sống văn hoá của đồng bào DTTS từng bước được nâng lên. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào DTTS được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Các thiết chế văn hóa ngày càng được xây dựng và phát triển theo xu hướng xã hội hoá. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa các DTTS được tăng cường; thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ DTTS dần được kiện toàn. Hợp tác quốc tế về văn hóa đạt được những thành công đáng kể.

Ngành Văn hoá ở các cấp đã thực hiện nhiều chương trình công tác, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng phát triển đời sống văn hoá, từng bước cải thiện, nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá, nghệ thuật; tăng cường đầu tư để bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS. Nhờ đó, vùng DTTS và miền núi đã có nhiều chuyển biến, đổi mới rõ nét về mọi mặt. Sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa tập trung thực hiện các dự án trọng điểm. Các đề án, dự án đầu tư có trọng tâm, đúng địa chỉ, có hiệu quả. Việc kết hợp, lồng ghép các dự án văn hóa với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa, thể thao, du lịch các DTTS đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc; tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng DTTS.

Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định.
Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định.

Dưới góc độ quản lý, theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, hiện nay, trong lĩnh vực bảo tồn văn hoá truyền thống DTTS, vấn đề tồn tại lớn nhất là gì? Làm thế nào để giải quyết vấn đề đó một cách căn cơ, bền vững để công tác bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống đạt được kết quả tốt nhất?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh: Thời gian qua, văn hóa đã có bước phát triển mới nhưng chưa thực sự trở thành mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Kinh tế đi lên nhưng có một số mặt của văn hóa đang đi xuống. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng thuộc về chủ quan. Đó là do sự buông lỏng quản lý của không ít cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ văn hóa.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cần tiếp tục có nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong phát triển văn hóa. Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, khắc phục sự xuống cấp về đạo đức xã hội . Tăng cường đoàn kết trong đồng bào, giữa đồng bào thiểu số với đa số. Tập trung khắc phục, xây dựng các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử bắt đầu từ văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh, chuẩn mực về văn hóa ứng xử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó văn hóa nêu gương là vấn đề cốt lõi.

Đồng thời, cần chú trọng xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa trong thực thi công vụ, quản lý của công chức, viên chức Nhà nước. Hoàn thiện các thể chế nhằm khai thác tối đa và hiệu quả kinh tế đối với các giá trị văn hóa; đồng thời, đầu tư thỏa đáng, nhằm bảo vệ tôn tạo các giá trị văn hóa, di sản văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là một cơ hội cho bảo tồn bản sắc văn hoá các DTTS. Trong quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt các chương trình dự án đầu tư cụ thể, cần phải bảo đảm lồng ghép và cân nhắc về phát triển bền vững, nhất là văn hóa và môi trường. Muốn giải quyết căn cơ vấn đề này, các tỉnh phải tập trung điều tra thống kê các di sản, có chiến lược bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá; chú trọng công tác đào tạo cán bộ văn hoá là người DTTS. Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, gắn với triển khai thực hiện Chương trình MTQG…

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm!