Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế

Hoàng Quý - 11:45, 09/05/2022

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Kiến nghị này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.

Chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý (Ảnh MH)
Chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý (Ảnh MH)

Bộ cũng nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón Ure, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân Ure, DAP, MAP để bảo đảm nguồn cung trong nước, trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.

Theo quy định hiện tại, phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này đã và đang gây nhiều bức xúc đối với nông dân và cả doanh nghiệp. Bởi khi nằm trong nhóm không phải chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, doanh nghiệp phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn.

Trong đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn, xuất khẩu 1,6 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có biến động lớn so với năm 2021.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài.