Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đề nghị các tập đoàn Trung Quốc tham gia các dự án đường sắt lớn tại Việt Nam

PV - 18:05, 25/06/2024

Chiều 25/6, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, ngày 24/6, Thủ tướng cũng đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt như Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC), Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina).

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành tựu hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả và hoan nghênh mong muốn hợp tác kinh doanh của Tập đoàn CRSC tại Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng trên nền tảng quan hệ chính trị rất tốt đẹp, là hai nước "núi liền núi, sông liền sông", hợp tác thương mại thời gian qua tăng trưởng mạnh, hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, bao gồm kết nối giao thông, trong đó có lĩnh vực đường sắt. 

Đây cũng là lĩnh vực mà Trung Quốc có nhiều thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu để phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh mong muốn hợp tác kinh doanh của Tập đoàn CRSC tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh mong muốn hợp tác kinh doanh của Tập đoàn CRSC tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc và các đối tác Trung Quốc tham gia tư vấn, đầu tư, thiết kế, thi công các tuyến đường sắt; hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, về cách thức huy động nguồn vốn, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó nâng cao năng lực, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp với Bộ Giao thông vận tại, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan để hợp tác, phát triển các dự án cụ thể tại Việt Nam, như nghiên cứu tham gia thúc đẩy, triển khai 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp, thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo CRSC khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo CRSC khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, hợp tác phát triển, cùng có lợi, tuân thủ quy định của pháp luật.

Cũng tại cuộc tiếp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chia sẻ một số định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh..), một số tuyến kết nối các cảng biển, cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế… 

Bộ trưởng đánh giá hệ thống thông tin tín hiệu là hết sức quan trọng, quyết định sự an toàn hệ thống đường sắt, do đó dư địa hợp tác hai bên còn rất lớn, trong đó có hình thức đầu tư theo hợp tác công tư.

Lãnh đạo Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.

Thủ tướng và các đại biểu dự cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng và các đại biểu dự cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tập đoàn cũng sẵn sàng tham gia đầu tư với hình thức phù hợp, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu và phát triển; trao đổi với các đối tác Việt Nam để triển khai các dự án, chương trình hợp tác cụ thể về đường sắt, góp phần thiết thực triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.

* CRSC là doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC), là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới và chiếm tỷ trọng lớn tại Trung Quốc. 

Hoạt động tại hơn 20 quốc gia và khu vực, doanh thu của Tập đoàn năm 2023 đạt hơn 37 tỷ nhân dân tệ (NDT) và lợi nhuận tương ứng đạt 4,7 tỷ NDT.

Tập đoàn xây dựng chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) đến sản xuất thiết bị và dịch vụ kỹ thuật của hệ thống điều khiển vận tải đường sắt. 

Tập đoàn cũng đóng vai trò là cơ quan quản lý có thẩm quyền của Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm các hệ thống kiểm soát vận tải đường sắt./.


Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.