Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ: Từ chính sách đến thực tiễn

PV - 10:34, 13/03/2019

Mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương (quân nhân xuất ngũ). Trong điều kiện đại đa số quân nhân xuất ngũ đều chưa qua đào tạo nghề thì việc làm cho lực lượng lao động vốn đã được rèn luyện trong môi trường Quân đội lại là vấn đề đáng quan tâm.

Nhiều “điểm cộng”, một “điểm trừ”

Đầu năm, cùng với việc tuyển quân thì các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) lại tổ chức lễ tiễn quân nhân xuất ngũ (QNXN) về lại địa phương. Sau 24 tháng rèn luyện trong Quân đội, QNXN đều chững chạc hơn trong suy nghĩ và hành động, là điểm tựa để QNXN tạo lập tương lai.

Điểm tựa này càng vững vàng hơn khi QNXN là đội ngũ có tính kỷ luật cao. Ngay cả khi chỉ còn vài ngày nữa là ra quân, họ vẫn chấp hành kỷ luật huấn luyện.

QNXN với nhiều ưu điểm, sau khi được đào tạo nghề sẽ là lực lượng lao động đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. QNXN với nhiều ưu điểm, sau khi được đào tạo nghề sẽ là lực lượng lao động đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hàng trăm nghìn QNXN trên cả nước khi ra quân-với thế mạnh là có tinh thần kỷ luật cao, bản lĩnh vững vàng, đều trẻ, khỏe nên được kỳ vọng là lực lượng lao động quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thế mạnh của QNXN thực sự là những “điểm cộng” cần thiết để các đơn vị tuyển dụng lao động ưu tiên lựa chọn.

Nhưng khi ra quân về lại địa phương để tham gia phát triển kinh tế-xã hội, QNXN lại có một “điểm trừ” đáng lo ngại. Đó là việc đại đa số QNXN đều chưa qua đào tạo chính quy từ bậc trung học chuyên nghiệp (đào tạo nghề) trở lên.

Tại Hội nghị “Định hướng hoạt động các trường nghề Quân đội” do Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức ngày 25/01/2019, Cục Quân lực-Bộ Quốc phòng đã đưa ra số liệu, trong các kỳ tuyển quân hằng năm, cả nước chỉ có hơn 10% thanh niên nhập ngũ trình độ từ trung học chuyên nghiệp đến đại học. Điều này đồng nghĩa sẽ có gần 90% thanh niên nhập ngũ chưa được đào tạo nghề. Đây là khó khăn không nhỏ đối với QNXN trên con đường tìm kiếm việc làm để có thu nhập ổn định.

Gỡ vẫn vướng

Gần 10 năm trước, chính sách hỗ trợ QNXN học nghề đã được triển khai theo Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 121). Chính sách này tiếp tục được quy định trong Điều 14-Nghị định 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/07/2015 của Chính phủ (NĐ 61).

Chính sách hỗ trợ QNXN học nghề trong QĐ 121 và NĐ 61 có điểm chung là, QNXN sẽ được cấp “Thẻ học nghề” sau khi ra quân; trị giá tương đương 12 tháng tiền lương cơ sở; “Thẻ học nghề” có hiệu lực 01 năm tính từ ngày QNXN được cấp thẻ. Khi QNXN đăng ký tham gia học nghề, cơ sở dạy nghề căn cứ vào “Thẻ học nghề” để thanh quyết toán chi phí đào tạo với Nhà nước.

Điểm khác cơ bản nhất giữa hai văn bản này là việc quy định nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ QNXN học nghề. Ở QĐ 121, nguồn kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Quốc phòng; ở cấp tỉnh, các cơ sở dạy nghề thanh quyết toán chi phí hỗ trợ QNXN học nghề tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Nhưng sau khi NĐ 61 có hiệu lực (ngày 01/9/2015), quy định cụ thể về nguồn kinh phí thực hiện chính sách này bị bãi bỏ. Thay vào đó, nguồn kinh phí thực hiện chỉ ghi chung chung “theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.

Nguồn kinh phí thực hiện không được quy định rõ ràng; trong khi cơ chế hỗ trợ không thay đổi (vẫn thông qua “Thẻ học nghề” cấp cho QNXN) nên đã dẫn tới thực trạng, nhiều cơ sở dạy nghề tiếp nhận QNXN không được quyết toán kinh phí đào tạo. Ngành LĐTB&XH-đơn vị được giao chủ trì thực hiện chính sách, bỗng dưng trở thành “con nợ”. Như tỉnh Bình Phước, từ tháng 9/2015 đến tháng 12/2016, Sở LĐTB&XH tỉnh này nợ các cơ sở dạy nghề cho QNXN tổng số tiền 2,522 tỷ đồng…

Để gỡ vướng mắc này, ngày 28/12/2016, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề QNXN theo NĐ 61. Tuy nhiên, trong thông tư này, nguồn kinh phí thực hiện chính sách vẫn được hướng dẫn một cách chung chung là “do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo”.

Do “cả họ cùng lo” nên tình trạng các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo cho QNXN vẫn tiếp tục bị nợ kinh phí. Để bảo đảm hoạt động, các cơ sở dạy nghề đã “chữa cháy” bằng cách thu học phí trước đối với QNXN tham gia học nghề, với mức thu từ 50-100% tùy theo đối tượng, căn cứ vào đối tượng được miễn giảm học phí quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, QNXN dù thuộc diện được hỗ trợ học nghề nhưng vẫn phải tự bỏ tiền đi học khi có nhu cầu.

Sau gần 10 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ QNXN học nghề, có điều kiện lập nghiệp đã có “độ lùi” nhất định. Nguyên nhân chủ yếu là do quy định về nguồn kinh phí thực hiện chính sách “lấp lửng”, không rõ ràng. Đây là vấn đề cần sớm được xem xét, tháo gỡ để QNXN-nguồn lực lượng lao động có tiềm năng, có cơ hội được học nghề, tham gia phát triển kinh tế-xã hội.

SỸ HÀO