Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi: Tạo nền tảng để đi đến tương lai

PV - 14:12, 11/10/2019

Trong những năm qua, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi chính là yếu tố đòn bẩy góp phần phát triển nguồn nhân lực DTTS. Từ sự quan tâm đó, nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS đã nỗ lực vươn lên, trở thành những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu được vinh danh tại các kỳ Tuyên dương do UBDT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn và Bộ Giáo Dục và Đào tạo tổ chức thường niên. Tại Quảng Ngãi, năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ngãi được cấp kinh phí khoảng 35 tỷ đồng để cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho học sinh các trường bán trú ở miền núi. Điều này góp phần tạo động lực cho học sinh ở vùng sâu đến trường chuyên cần, nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhờ được quan tâm đầu tư nên các em học sinh miền núi Quảng Ngãi đã có điều kiện học tập tốt hơn.
Nhờ được quan tâm đầu tư nên các em học sinh miền núi Quảng Ngãi đã có điều kiện học tập tốt hơn.

Có dịp về thăm Trường THPT Trà Bồng, chúng tôi mới thực sự hiểu hết ý nghĩa câu nói “trường là nhà, thầy cô là cha mẹ”. Sau khi kết thúc buổi học, các em học sinh về nhà bán trú phía sau lớp học. Từng em nhanh nhẹn cất cặp sách rồi cùng nhau vào bếp nấu ăn. Dù không có bố mẹ bên cạnh, nhưng dưới sự giúp đỡ của thầy cô giáo, các em vẫn cảm thấy hạnh phúc, ấm cúng như ở nhà.

Em Hồ Thị Nguyễn Dung, học sinh lớp 12, ở thôn Trà Ngon, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng chia sẻ: Nhà cách trường 27km, không thể đi lại trong ngày, hai năm học trước em phải ở trọ, tiền ăn và tiền nhà trọ hết khoảng 1 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy là quá lớn đối với chúng em. Nay em được vào ở bán trú trong trường, không chỉ đỡ được chi phí ăn ở mà còn được gần gũi bạn bè, thầy cô giúp đỡ em học tập tốt hơn.

Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Thị Ngộ, giáo viên Trường THPT Trà Bồng cho biết: Khu bán trú của trường có 8 phòng ở, nhà tắm, vệ sinh khép kín và khu bếp là nơi ăn ở, sinh hoạt cho gần 100 học sinh. Các em học sinh DTTS chủ yếu nhà ở cách xa trường vài chục cây số, không thể đi lại trong ngày. “Nhờ ở bán trú của trường, các em được ăn, ở tại chỗ, gần gũi bạn bè, được thầy cô giáo quan tâm nên chuyên tâm hơn vào việc học”, cô Ngộ cho biết thêm.

Còn tại Trường Tiểu học và THCS Ba Lế (huyện Ba Tơ), sau giờ học buổi sáng, hơn 40 em học sinh bán trú của trường lại tập trung ở nhà ăn phụ giúp nhân viên cấp dưỡng lo bữa cơm trưa.

Theo thầy Nguyễn Mậu Hải, Hiệu trưởng nhà trường, Ba Lế là một trong những xã khó khăn nhất của huyện vùng cao Ba Tơ, địa hình nhiều sông suối nên đường đến trường vô cùng cách trở, nhiều học sinh phải đi bộ mất 2 - 3h đồng hồ mới đến được trường. Thực trạng này dẫn đến việc học sinh đi học không đều hoặc bỏ học. Từ khi các em được ở bán trú, được thầy cô chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ, tình trạng đi học không đều và số học sinh bỏ học đã giảm hẳn. Cùng với đó, thầy cô Trường Tiểu học và THCS Ba Lế còn tự nguyện kèm cặp, nhắc nhở các em trong việc học tập nên chất lượng việc dạy và học của nhà trường nâng lên rõ rệt.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ thành lập 39 trường PTDTBT. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên mới chỉ thành lập được 23 trường. Hiện nay, hầu hết cơ sở vật chất của các trường đều cũ nên khu bán trú cũng tạm bợ, nhiều nơi xuống cấp chỉ đáp ứng được từ 30 đến 40% nhu cầu của học sinh. Số còn lại các em phải tá túc, thuê trọ ở nhà dân hoặc về nhà, dù nhà xa đến vài chục cây số.

Để từng bước giải quyết bài toán về kinh phí đầu tư cho các trường PTDTBT, năm học này, Quảng Ngãi là 1 trong 3 tỉnh được Bộ GD&ĐT hỗ trợ kinh phí để cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở cho học sinh các trường PTDTBT tại các huyện miền núi trong tỉnh. Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Đỗ Văn Phu cho biết: Tổng kinh phí được hỗ trợ khoảng 35 tỷ đồng, trong đó Bộ GD&ĐT hỗ trợ 26 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh gần 9 tỷ đồng...