Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dấu mốc chấn hưng văn hóa đọc trong thời đại công nghệ 4.0

Nguyễn Thị Nguyệt Anh - 21:53, 14/07/2020

Từ 1/7, Luật Thư viện được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 chính thức có hiệu lực. Luật được đánh giá đã khắc phục được nhiều hạn chế của pháp lệnh cũ, thể hiện rõ nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và giải trí của Nhân dân, trong đó, nhiều điều luật quy định hướng về đồng bào DTTS…

Luật Thư viện có hiệu lực được kỳ vọng phát triển văn hoá đọc trong thời kỳ công nghệ số, đặc biệt là ở vùng DTTS, miền núi.
Luật Thư viện có hiệu lực được kỳ vọng phát triển văn hoá đọc trong thời kỳ công nghệ số, đặc biệt là ở vùng DTTS, miền núi.

Dự án Luật Thư viện nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (ban hành theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ).

Những điểm đáng chú ý là, Luật đã cập nhật kịp thời với yêu cầu của thực tiễn nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xâm nhập mạnh mẽ vào tất cả các mặt của cuộc sống.

Minh chứng như, Luật Thư viện yêu cầu, lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng, bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân...

Tại Điều 6 của Luật, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện, nội dung này được cụ thể hóa. Theo đó, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, viện trợ, đóng góp phát triển sự nghiệp thư viện, văn hóa đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở và được hưởng các ưu đãi, được ghi nhận và vinh danh theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Điều 44 của Luật Thư viện đã có quy định cụ thể, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến việc đọc của các đối tượng đặc biệt. Trong đó, người DTTS được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với điều kiện của thư viện; người sử dụng thư viện là người cao tuổi, hoặc người khuyết tật không thể tới thư viện, được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện...

Ngoài ra, các hoạt động truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử cũng được đẩy mạnh để thích ứng với hành vi đọc của độc giả trên không gian mạng. Một ví dụ điển hình của việc ứng dụng hiệu quả công nghệ trong hoạt động thư viện có thể kể đến là kênh Youtube Cùng bạn đọc sách của Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL).

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL, dù mới ra đời được hơn một tháng, nhưng kênh đã thu hút tới 50 nghìn lượt truy cập và được đánh giá cao. Kênh đã trở thành nơi truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê đọc sách, nhất là đối với người khiếm thị. Đến nay, kênh vẫn tiếp tục được duy trì, xây dựng nội dung ngày càng phong phú và từng bước tiến tới các chương trình giới thiệu sách cho đồng bào DTTS.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng Internet. Khi các thư viện ở nước ta đẩy nhanh việc số hóa tài liệu, xây dựng thư viện điện tử, thư viện đa phương tiện, liên thông thư viện, truy cập mở… sẽ đáp ứng tốt nhu cầu độc giả thời đại mới.