Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dấu ấn Thể thao Việt Nam 2020

PV - 16:33, 30/12/2020

Năm 2020 được xem là một năm “đặc biệt” khi dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới khiến nhiều hoạt động, trong đó có thể thao, bị đình trệ, hủy bỏ. Mặc dù vậy, lĩnh vực thể thao Việt Nam vẫn để lại nhiều dấu ấn.

Dấu ấn Thể thao Việt Nam 2020

Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức SEA Games 31 và ASAN Para Games 11

Ngày 10/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) năm 2021 tại Việt Nam.

Theo Quyết định này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam là Phó Trưởng Ban Thường trực.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, ASEAN Para Games 11; đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quyết định cụ thể quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức Đại hội.

Ngày 21/7/2020, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL có Quyết định số 1968/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021 tại Việt Nam.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác chuẩn bị tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam.

Biểu trưng và biểu tượng vui SEA Games 31 đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt
Biểu trưng và biểu tượng vui SEA Games 31 đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt

Chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11

Ngay sau khi có các quyết định nói trên, công tác chuẩn bị cho Đại hội đã được Bộ VHTT&DL cùng các ngành, địa phương liên quan gấp rút triển khai.

Ngày 22/7 và ngày 20/11, Ban Tổ chức SEA Games tổ chức Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á theo hình thức trực tuyến.

Tại các hội nghị này, đại diện Ủy ban Olympic quốc gia khu vực Đông Nam Á đã thông qua số lượng các môn trong chương trình thi đấu của SEA Games 31 do nước chủ nhà Việt Nam đề xuất.

Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt 36 môn thi đấu thể thao tại SEA Games 31, trong đó 26 môn sẽ tổ chức tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, các môn thể thao mà các quốc gia khu vực đề xuất, Ban Tổ chức SEA Games 31 đã bổ sung 4 môn thi đấu, gồm: Bowling, E-sports, ba môn phối hợp và Jujitsu.

Như vậy, SEA Games 31 dự kiến sẽ tổ chức 40 thi đấu môn thể thao và hơn 520 nội dung thi đấu, còn ASEAN Games tổ chức tranh tài 11 môn. Điều đặc biệt là nước chủ nhà Việt Nam không đưa vào nội dung thi đấu bất cứ môn thế mạnh nào của riêng quốc gia mình.

Đại diện Việt Nam tại 2 hội nghị trên cùng cho biết các phần việc tiếp theo (họp Trưởng đoàn SEA Games, cấp thẻ báo chí, khai trương Văn phòng điều hành, Trung tâm Báo chí SEA Games…) sẽ được triển khai trong năm 2021.

Về phía nước chủ nhà SEA Games, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội cũng được triển khai khẩn trương.

Cụ thể, các ban, tiểu ban liên quan đến công tác tổ chức Đại hội đã được thành lập. Cuộc thi sáng tác bộ nhận diện SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 (biểu trưng, biểu tượng vui, khẩu hiệu, ca khúc) được phát động cùng với việc xây dựng Website Đại hội.

Tới thời điểm hiện tại, biểu trưng (Logo), biểu tượng vui (Mascot), khẩu hiệu (Slogan) đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt, chuẩn bị trình cấp thẩm quyền quyết định; Website SEA Games 31 sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 1/2021.

Về ASEAN Para Games 11, tại hội nghị trực tuyến ngày 27/12, Ban Chấp hành Liên đoàn Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á và Ban Tổ chức Para Games 11 thống nhất tổ chức Para Games 11 từ ngày 17 - 23/12/2021 và thi đấu 11 môn thể thao.

Nước chủ nhà Việt Nam đã thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội và đang tích cực chuẩn bị cho công tác tổ chức Para Games 11.

Khởi động cùng SEA Games 31

Vào thời điểm đúng 1 năm trước ngày khai mạc SEA Games 31, sáng 21/11/2020, chương trình “Khởi động cùng SEA Games 31” đã được nước chủ nhà tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, đánh dấu sự kiện khởi đầu Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á sẽ khai mạc vào ngày 21/11/2021.

Cùng thời điểm này, chiếc đồng hồ đếm ngược 1 năm tới SEA Games 31 cũng được vận hành.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Trưởng Ban Tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định dù phải đối phó với tác động của dịch COVID-19, Việt Nam sẽ làm hết sức mình trong công tác chuẩn bị nhằm tổ chức thành công Đại hội Thể thao lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2021. Qua đó, thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước trong khu vực.

Bóng đá Việt Nam trở lại trạng thái bình thường sớm nhất thế giới

Dịch COVID-19 đã khiến bóng đá Việt Nam không thể nào khởi động được các giải đấu trong nước nên chỉ đến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, được Chính phủ cho phép, sân cỏ Việt Nam đã sống lại những trận cầu sôi động.

Sau 2 tháng chờ đợi, chiều 23/5, trận bóng đá khai mạc Cúp Quốc gia 2020 giữa Dược Nam Hà Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai trên SVĐ Thiên Trường (Nam Định) là trận cầu mang tính lịch sử. Đây là trận đấu chính thức đầu tiên của bóng đá Việt Nam được đón khán giả vào sân khi dịch COVID-19 được kiểm soát, một điều mà các giải đấu bóng đá của thế giới đến thời điểm đó, thậm chí đến nay vẫn chưa làm được.

Trận đấu thu hút sự chú ý của báo chí nhiều nước trên thế giới và được coi là “điểm sáng sân cỏ thế giới trong bóng đêm COVID-19”, đồng thời khẳng định hiệu quả kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam.

Sau đó, Giải vô địch quốc gia - V.League 2020, Cúp Quốc gia 2020 (nam, nữ), Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2020 cùng các giải vô địch U15, U17, U19, U21… đã diễn ra suôn sẻ.

Lần đầu tiên môn boxing trực tiếp dành suất dự Olympic Tokyo

Thế vận hội Tokyo, Nhật Bản 2020 dù bị hoãn sang năm 2021 (giữ nguyên tên gọi Olympic Tokyo 2020) song vẫn là đích phấn đấu cao độ của mọi VĐV. Ở kỳ Đại hội này, TTVN đặt chỉ tiêu giành được 20 suất tham dự và có huy chương.

Do dịch COVID-19, các giải đấu vòng loại, tích điểm chọn VĐV dự Olympic trên thế giới bị đình hoãn nên đến hết năm 2020, Việt Nam mới chỉ có 5 VĐV sở hữu vé đến Tokyo.

Người giành được tấm vé thứ 5 là võ sĩ quyền anh Nguyễn Văn Đương (hạng 57 kg) khi dự vòng loại Olympic 2020 môn boxing (quyền Anh) khu vực châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Jordan từ ngày 3 đến 11/3.

Trước đó, 4 VĐV khác đã giành được suất dự Thế vận hội 2020, gồm: Nguyễn Huy Hoàng (môn bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Hoàng Phi Vũ (bắn cung).

Điều đáng mừng là cả 5 VĐV này đều bằng chính sức mình đã thi đấu xuất sắc để ghi tên vào danh sách dự Olympic.

Trong số các VĐV đã giành vé đến Olympic, tấm vé của võ sĩ quyền anh Nguyễn Văn Đương mang tính chất đặc biệt vì đây là lần đầu tiên môn boxing Việt Nam giành vé trực tiếp dự Olympic kể từ khi tham dự đấu trường thể thao lớn nhất thế giới này vào năm 1980.

VĐV Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) giành HCV nội dung chạy cự li 10.000 m, phá sâu kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 17 năm tại Giải vô địch Điền kinh quốc gia 2020. Ảnh: VOV
VĐV Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) giành HCV nội dung chạy cự li 10.000 m, phá sâu kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 17 năm tại Giải vô địch Điền kinh quốc gia 2020. Ảnh: VOV

Điền kinh ấp ủ giấc mơ lớn

Trong suốt cả năm 2020, các VĐV điền kinh không có cơ hội thi đấu cọ sát quốc tế cũng như các vòng tuyển chọn dự Olympic. Tuy nhiên Giải vô địch Điền kinh quốc gia 2020 cho thấy các VĐV vẫn ấp ủ giấc mơ lớn: Giữ vững ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 và hướng tới vòng loại Olympic 2021.

Tại Giải vô địch Điền kinh quốc gia năm 2020 (từ 10-14/11), các VĐV chủ lực của Đội tuyển Điền kinh Việt Nam vẫn cho thấy phong độ ổn định.

Lê Tú Chinh (đoàn TPHCM) xuất sắc giành 5 HCV (100m, 20m và 3 nội dung chạy tiếp sức). Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) giành HCV nội dung chạy cự li 10.000m hết 34’08’’54, phá sâu kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 17 năm ở cự li này (34’48’’28). Quách Thị Lan (Thanh Hóa) lần đầu tiên vượt qua nhà vô địch SEA Games 30 Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400 m khi về đích với thời gian 52’46…

Hiện tại, đội chạy 4x400m hỗn hợp Việt Nam đang xếp hạng 17 thế giới, kém gần 1 giây so với đội xếp hạng 16 - thứ hạng sẽ được xét dự Thế vận hội. Vì vậy nếu được cọ sát quốc tế (đến hết ngày 5/7/2021), nội dung này có nhiều cơ hội được đến Tokyo (Olympic 2020 dự kiến khai mạc vào ngày 21/7/2021).

Bên cạnh đó, VĐV Quách Thị Lan (nội dung 400 m rào nữ) cũng đứng trước cơ hội giành vé đến Olympic khi đang đứng đầu châu Á và xếp thứ 19 thế giới.

Với Thể thao Việt Nam, năm 2020 đã qua dù có nhiều “khoảng lặng” nhưng đó cũng là thời điểm các VĐV tích lũy sức bền, sức mạnh để hướng tới các giải đấu quan trọng nhất trong năm 2021: Vòng loại World Cup 2022, AFF Cup, Olympic Tokyo, SEA Games 31…/.