Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dấu ấn mẫu hệ ở làng gốm Bàu Trúc

Sơn Ngọc - 16:55, 12/03/2023

Chúng tôi về làng gốm Bàu Trúc trong dịp cả nước kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Chị em phụ nữ địa phương tất bật sản xuất gốm cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Đây là làng quê mang đậm dấu ấn mẫu hệ trong cuộc sống gia đình và gìn giữ phát triển nghề làm gốm truyền thống của người Chăm.

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa, phụ nữ chế độ mẫu hệ tiêu biểu ở làng Chăm Bàu Trúc
Nghệ nhân Đàng Thị Hoa ở làng gốm Bàu Trúc đang chế tác gốm

Anh Đàng Chí Quyết, Trưởng khu phố Bàu Trúc cho biết, làng Bàu Trúc tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok, thuộc địa bàn thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Toàn làng hiện có 1.286 hộ với 5.871 nhân khẩu gắn bó với nghề gốm truyền thống. Theo lưu truyền của cư dân địa phương, ông Poklong Chanh cùng vợ là bà Nai Lank Mưh dạy cho phụ nữ làm gốm từ ngày xưa được gìn giữ phát triển bền vững đến ngày nay, khoảng 800 năm. 

Việc nặn gốm ở đây hoàn toàn do bàn tay dịu dàng của phụ nữ Chăm theo luật tục mẫu hệ, mẹ truyền con nối. Con gái tới 14 - 15 tuổi ở làng Bàu Trúc nhất thiết theo học nghề làm gốm do người mẹ truyền dạy. Khi trưởng thành lập gia đình, phụ nữ phải biết cách ủ đất, nhào đất, nặn gốm, trang trí hoa văn, làm láng, phơi, nung gốm. Đàn ông chỉ phụ việc lấy đất, nhào đất, lấy củi, chất gốm. Khi làng nghề phát triển sản xuất gốm mỹ nghệ thì đàn ông đảm nhận phần việc trang trí hoa văn, nặn tượng nữ thần, làm phù điêu. Nhờ chế tác gốm kết hợp làm ruộng lúa và chăn nuôi gia súc nên người dân ở làng Bàu Trúc có cuộc sống no ấm; số hộ nghèo hiện còn 4%, chủ yếu già yếu, neo đơn. Nhiều gia đình xây dựng nhà ở khang trang, nuôi con học hành thành đạt. Để có được điều đó, phụ nữ giữ vai trò rất quan trọng.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất gốm của gia đình chị Đàng Thị Hoa ở giữa làng Bàu Trúc. Chị Hoa là phụ nữ tiêu biểu của chế độ mẫu hệ ở vùng đồng bào Chăm. Chị được làng nghề trao tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng” chế tác nhiều sản phẩm gốm Chăm, từ gốm truyền thống phục vụ sinh hoạt đến gốm trang trí nội thất. Điểm đặc biệt đáng biểu dương, chị Hoa là tác giả của các bình gốm Chăm được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam làm quà tặng Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Phiên họp thứ 17, ngày 29/11/2022, diễn ra tại Rabat, thủ đô Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Phụ nữ Chăm làng gốm Bàu Trúc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc
Phụ nữ Chăm làng gốm Bàu Trúc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc

Chị Đàng Thị Hoa là con gái út của gia đình có 6 người con, có 3 người anh trai theo quê vợ và 2 người chị gái lấy chồng ở riêng. Theo luật tục Chăm, chị Hoa ở trong ngôi Mư râu (nhà từ đường) do cha mẹ xây cất trên diện tích đất rộng 500 m2. Chị Hoa và 2 người chị được người mẹ ruột là bà Đàng Thị Đây truyền dạy nghề làm gốm. Với trách nhiệm của người con gái út, chị Hoa phụng dưỡng người mẹ già yếu và lo việc hiếu hỉ theo phong tục trong tộc họ và làng xóm. 

Nhờ nghề làm gốm, chị Hoa có thu nhập trung bình mỗi tháng trên 10 triệu đồng. Những lúc các doanh nghiệp đặt nhiều hàng, chị nỗ lực lao động có nhu nhập 20 triệu đồng/tháng. Thu nhập từ nghề gốm kết hợp lương giáo viên của chồng, giúp chị Hoa nuôi 5 người con ăn học chu đáo. Trong đó có hai con gái đầu tốt nghiệp đại học sư phạm và cao đẳng thời trang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Cô con gái thứ ba đang học đại học năm thứ nhất chuyên ngành Ngân hàng ở tỉnh Phú Yên. Hai cháu nhỏ đang học phổ thông tại địa phương. Bốn cô con gái của chị Hoa đều được mẹ dạy làm gốm Chăm, giữ gìn văn hóa truyền thống theo chế độ mẫu hệ.

(Bài CTV) Dấu ấn mẫu hệ ở làng gốm Bàu Trúc 2

“Chế độ mẫu hệ tồn tại lâu đời trong đời sống xã hội người Chăm. Từ khi sinh ra đời ở làng Bàu Trúc, tôi đã thấy bà nội (người Kinh gọi là ngoại) và mẹ tôi có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình, tộc họ. Đến khi tôi trưởng thành, tuy là người chủ động tìm bạn gái tâm đầu ý hợp, nhưng vợ đi cưới chồng theo tập tục, con cái sinh ra được đặt theo họ mẹ. Tôi là người trợ lý đắc lực cho vợ trong công việc chế tác gốm. Còn mọi việc quan trọng trong đời sống gia đình hiện đại tuy vợ chồng có bàn bạc đi đến thống nhất nhưng quyền quyết định thuộc về chị Hoa”, thầy giáo Đàng Năng Nhiêm, chồng Nghệ nhân Đàng Thị Hoa cười hồn hậu, chia sẻ.