Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dấu ấn kinh tế - xã hội nổi bật năm 2019

Huy An - 10:20, 02/01/2020

Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6 - 6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, điều chưa có trong lịch sử nước ta.


Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện ĐBKK. (Ảnh TTXVN)
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện ĐBKK. (Ảnh TTXVN)

Giữ đà tăng trưởng ổn định

Theo đánh giá, năm 2019, Việt Nam không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới, mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỷ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56%.

Quy mô xuất nhập khẩu đạt kim ngạch hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD - những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.

Năm 2019, Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được ký kết. Các FTA thế hệ mới này giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đồng thời, tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Năm 2019, Chính phủ đã bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với 6 trọng tâm điều hành, 8 nhóm giải pháp, 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và 5 nhóm giải pháp, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; kiên định, kiên trì, triển khai thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn và toàn diện hơn các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Năm 2019, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Theo cộng đồng DN, đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Điểm nhấn của năm 2019 nằm ở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố, với mức tăng gần 1,5% so với cuối năm 2018. Hướng tăng này được cho là sự chủ động của nhà điều hành để đưa tỷ giá trung tâm trở nên cân bằng hơn so với các mức tỷ giá giao dịch trên các thị trường.

Cú hích phát triển

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao. Cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận chuẩn NTM. 8 tỉnh, thành phố (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ) đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Hòa vào sự phát triển chung của đất nước, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi cũng đạt được những thành quả quan trọng trong năm 2019.
Hòa vào sự phát triển chung của đất nước, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi cũng đạt được những thành quả quan trọng trong năm 2019

Năm 2019, du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục với khoảng 18 triệu lượt khách (tăng 16%); phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa (tăng 16% so với năm 2018). Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam cũng được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở vị trí 63/140 nền kinh tế.

Ngày 16/9/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án là công trình Quốc gia trong giai đoạn 2017 - 2020, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức vốn là 118.716 tỷ đồng. Tổng tuyến đường đầu tư khoảng 654 km. Dự án có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa áp lực cho Quốc lộ I, hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo động lực phát triển KT-XH.

Ngày 18/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện ĐBKK với 89,44% đại biểu tán thành. Theo đó, Đề án thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn ĐBKK trong vùng đồng bào DTTS&MN với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc...

Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn ĐBKK; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến 2030 có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Giành 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 105 huy chương đồng tại SEA Games 30 tổ chức tại Philippines. Trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử, đội U22 Việt Nam đã giành tấm huy Chương vàng môn bóng đá nam. Đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ hai toàn đoàn sau chủ nhà, bỏ xa các cường quốc thể thao khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Sự thành công của thể thao Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Lễ tuyên dương các vận động viên, là: “cú hích phát triển đất nước”.

Năm 2019, nhiều đại án kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Việc xử lý nghiêm minh các cán bộ, tổ chức đảng có sai phạm tiếp tục khẳng định quan điểm không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện quyết tâm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, làm trong sạch bộ máy, lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.