Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Dân vận khéo” để phát triển kinh tế

Minh Thu - 17:50, 01/12/2020

Qua quá trình thực hiện "Dân vận khéo" (DVK), cấp ủy, chính quyền xã Lê Lai, huyện Thạch An (Cao Bằng) đã đồng hành, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 21,6%.

Mô hình trồng cây chanh leo tại xóm Lũng Mòn, xã Lê Lai.
Mô hình trồng cây chanh leo tại xóm Lũng Mòn, xã Lê Lai.

Ông Nông Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Lê Lai cho biết: Để thực hiện DVK trong phát triển kinh tế đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, các buổi họp xóm thôn, để quán triệt và triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn của cấp trên đến mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, xây dựng các mô hình DVK gắn với các lĩnh vực phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

Điển hình như, mô hình trồng cây chanh leo của gia đình anh Đàm Hoàng Nam, Bí thư Chi bộ xóm Lũng Mòn. Năm 2019, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của xã, anh Nam đăng ký trồng 650 cây chanh leo. Sau gần hai năm chăm sóc, vườn chanh leo của nhà anh Nam đã thu về được trên 2 tấn quả.

“Với giá bán trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, hết lứa quả năm nay, gia đình tôi sẽ thu lại được số vốn ban đầu và sang vụ quả năm sau bắt đầu có lãi. Trồng cây chanh leo cũng dễ, không mất nhiều công chăm sóc, lại sạch sẽ. Nếu điều kiện thuận lợi, tôi sẽ mở rộng diện tích để phát triển cây chanh leo làm cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình”, anh Nam chia sẻ.

Hay như trường hợp anh Lê Trung Kiên, ở thôn Lũng Mòn, với sự quan tâm của Chi bộ thôn, cán bộ khuyến nông xã, anh Kiên vay vốn ngân hàng, đầu tư nuôi gà mía. Từ hai năm nay (2019-2020), gia đình anh Kiên đã xuất khoảng 800 con, với giá bán bình quân 75.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, anh có thể thu về ngót 30 triệu đồng. Hiện gia đình anh Kiên đang duy trì đàn gà khoảng 300 con.

Theo ông Nông Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Lê Lai, qua triển khai DVK, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh ông tác tuyên tuyền, vận động, khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo, cần cù của Nhân dân trong sản xuất, kinh doanh. Từ DVK, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, tạo sức lan tỏa ra cộng đồng, khuyến khích những hộ nông dân khác học tập và làm theo.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lê Lai đã tích cực, chủ động khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo bằng những loại cây, con phù hợp với điều kiện của địa phương, được thị trường ưa chuộng. Tiêu biểu như, mô hình trồng lê vàng Đông Khê; trồng bí xanh ở Nà Sloỏng.

“ Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua DVK hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, từ đó  thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM”, ông Cương chia sẻ.

Xã Lê Lai có 772 hộ dân với 2.948 nhân khẩu. Năm 2019, xã đã giảm 10% hộ nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 21,63%. Phấn đấu đến cuối năm 2020, xã giảm thêm 10% hộ nghèo. Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua DVK gắn với xây dựng NTM, xã vận động Nhân dân đóng góp 203,271 triệu đồng, trên 10.000 ngày công lao động, hiến 63.900 m2 đất xây dựng đường nông thôn, các công trình nhà văn hóa, sân thể thao...