Trên thực tế ở vùng DTTS và miền núi Quảng Ninh cũng đã có rất nhiều tấm gương người thầy thuốc tận tụy bám bản chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTSGian nan chờ bác sỹ vùng cao
Mới đây có chuyến khảo sát đến những địa bàn vùng cao tỉnh Quảng Ninh, mới cảm nhận rõ hơn về cuộc sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, lĩnh vực y tế, dù ở thành phố lớn, hay y tế tuyến trung ương luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân, nhưng ở các huyện vùng cao, ngay tại trung tâm huyện, hay những trạm y tế xã vẫn rơi vào tình cảnh thưa vắng cán bộ y tế có chuyên khoa chuyên sâu và vắng bóng bệnh nhân.
Tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa tại tuyến huyện, không chỉ gây áp lực lớn lên đội ngũ y tế hiện có mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân vùng cao. Do không có bác sĩ chuyên sâu tại chỗ, nhiều bệnh nhân dù chỉ mắc bệnh thông thường vẫn buộc phải chuyển tuyến xuống thành phố, dẫn đến tốn kém chi phí, thời gian và công sức đi lại.
Ông Lý Văn Dần, người dân xã Húc Động (huyện Bình Liêu), chia sẻ: “Tôi bị đau dạ dày kéo dài, đi khám ở bệnh viện huyện nhiều lần, bệnh không giảm do không có bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Bác sĩ đa khoa chỉ kê thuốc giảm đau. Sau đó, tôi phải xuống Bệnh viện Bãi Cháy để nội soi, mất mấy ngày ăn ở, đi lại rất vất vả”.
Đấy là ở tuyến huyện, thực trạng này đang diễn ra tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ninh – nơi phần lớn người dân là người DTTS, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và thông tin chăm sóc sức khỏe. Việc thiếu bác sĩ tuyến dưới, đặc biệt trong mùa dịch bệnh hoặc thiên tai, dễ dẫn đến tình trạng quá tải, bị động trong xử lý tình huống khẩn cấp.
Môi trường làm việc và thu nhập chưa “ổn định”
Mặc dù những qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho các huyện miền núi, nhưng theo nhiều cán bộ y tế địa phương, môi trường làm việc và thu nhập vẫn chưa đủ sức giữ chân bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trẻ.
Để đáp ứng công việc chuyên môn, Bác sĩ Triệu Bích Duyên còn phải tranh thủ thời gian đi học thêm tiếng dân tộc Dao để phục vụ người dân (Trong ảnh: Bác sĩ Triệu Bích Duyên đang khám và chữa bệnh cho người dân)Bác sĩ Triệu Bích Duyên, dân tộc Nùng, sinh năm 1980, là một trong số ít bác sĩ có trình độ sau đại học làm việc lâu dài ở vùng cao. Sau khi tốt nghiệp cao học tại Đại học Y Hà Nội và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, chị quyết định chuyển về Quảng Ninh vào tháng 12/2024, công tác tại Khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ.
Dù được hỗ trợ nhà ở và phụ cấp, nhưng thu nhập từ lương chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản. Một khó khăn khác là vấn đề ngôn ngữ, khi người dân địa phương chủ yếu là người Dao. Do vậy để thích nghi tôi phải theo học thêm tiếng dân tộc Dao để dễ dàng giao tiếp và hỗ trợ người dân tốt hơn”, bác sỹ Duyên trải lòng.
Không chỉ gặp khó trong việc thu hút nhân lực mới, các cơ sở y tế tuyến huyện còn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ khu vực tư nhân và bệnh viện tuyến tỉnh – nơi có điều kiện làm việc tốt hơn và thu nhập hấp dẫn hơn nhiều lần. Trong khi một bác sĩ về công tác tại miền núi chỉ nhận mức lương và phụ cấp khoảng 10–15 triệu đồng/tháng, thì nếu làm tại một phòng khám tư ở TP Hạ Long, con số này có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Chính sách thu hút chưa đủ lực
Để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ 500 đến 700 triệu đồng cho bác sĩ về công tác tại các địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, đối với các bác sĩ có trình độ cao như nội trú, chuyên khoa II, tiến sĩ, mức hỗ trợ này vẫn chưa đủ hấp dẫn, không thể bù đắp được cơ hội nghề nghiệp, thu nhập và môi trường phát triển chuyên môn, mà họ có thể tìm thấy ở khu vực tư nhân hoặc bệnh viện tuyến trung ương.
Điều kiện sinh hoạt, đi lại của người dân vùng cao còn nhiều khó khăn nên việc thu hút nguồn nhân lực y tế còn hạn chếBác sĩ Nguyễn Thị L., tốt nghiệp nội trú chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, hiện đang làm việc tại một bệnh viện tư ở Hà Nội, chia sẻ: “Tôi từng nhận được lời mời về công tác tại huyện miền núi của Quảng Ninh, với mức hỗ trợ một lần khá hấp dẫn. Nhưng nếu so với thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng tôi đang có, cộng thêm điều kiện làm việc hiện đại thì quyết định không hề khó. Quan trọng hơn cả là con đường phát triển nghề nghiệp và học thuật, điều mà tuyến huyện không thể mang lại".
Trao đổi về nội dung này, bà Ngô Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu cho biết: Những năm qua, với sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, Trung tâm Y tế Bình Liêu đang triển khai các biện pháp nhằm thu hút thêm bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng công tác y tế và bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng cao. Điển hình, trong năm 2024, huyện đã thu hút được một bác sĩ người Nghệ An về công tác tại Trạm Y tế xã Hoành Mô.
"Tuy nhiên, nhìn chung việc thu hút bác sĩ về công tác tại các xã vùng cao, đặc biệt là công tác lâu dài vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục nghiên cứu có những giải pháp, cơ chế chính sách đủ mạnh để cải thiện tình hình", bà Bình đề xuất.