Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đảm bảo chất lượng dạy và học ở Mường Khương - Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động

Trọng Bảo - 10:26, 12/11/2023

Trong 2 năm học vừa qua, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 09 với những chính sách đặc thù để hỗ trợ cho học sinh tại các xã khu vực I theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Bước vào năm học mới 2023 - 2024, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 09 đã kết thúc, tuy nhiên nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học, duy trì tỷ lệ chuyên cần khi nguồn hỗ trợ không còn..., các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Mường Khương đã và đang triển khai linh hoạt nhiều giải pháp

Tỷ lệ chuyên cần những ngày đầu năm học của các trường trên địa bàn huyện Mường Khương đạt trên 90%
Tỷ lệ chuyên cần những ngày đầu năm học của các trường trên địa bàn huyện Mường Khương đạt trên 90%

Những tháng qua, bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Thanh Bình, huyện Mường Khương vẫn được duy trì, toàn bộ học sinh đăng kí ở lại trường đều được hưởng chế độ. Dù chế độ hỗ trợ của Nhà nước không còn, nhưng năm học này, nhà trường vẫn bảo đảm được hoạt động bán trú cho 115 em học sinh ở 4 thôn xa nhất của xã.

“Dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng sẽ cố gắng lo cho các con bữa ăn hàng ngày để các con yên tâm học tập”, cô Phạm Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thanh Bình chia sẻ.

Tại Trường Tiểu học xã Lùng Vai, năm học 2023-2024, có trên 20 học sinh ăn ở bán trú, các em đều là con em đồng bào DTTS nhà ở các thôn bản cách xa trung tâm xã. Cô giáo Trần Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: xã Lùng Vai về đích Nông thôn mới năm 2016, theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ thì Lùng Vai là xã vùng I; đồng nghĩa với việc các chế độ đối với học sinh bán trú không còn. 

Hai năm qua, với Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh Lào Cai các chế độ của học sinh bán trú vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, năm học 2023-2024 Nghị quyết 09 hết hiệu lực, để duy trì chế độ với học sinh bán trú, nhà trường đã có nhiều giải pháp để duy trì ba bữa ăn cho các em học sinh.

Để có gạo phục vụ bữa ăn bán trú, Trường Tiểu học Lùng Vai đã có nhiều cách làm linh hoạt
Để có gạo phục vụ bữa ăn bán trú, Trường Tiểu học Lùng Vai đã triển khai nhiều cách làm linh hoạt

“Chúng tôi đã tham mưu với UBND xã gửi thư ngỏ đến các xã vẫn đang còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, với mong muốn sẻ chia một phần lương thực cho các con. Cùng với đó, chúng tôi tích cực đi vận động các nhà hảo tâm, các chùa trên địa bàn tỉnh xin sự hỗ trợ. Hiện nhà trường cũng được dự án của Trung ương đoàn và Trung tâm tình nguyện Quốc gia hỗ trợ cho các con kinh phí hai bữa ăn/ngày với 8500 đồng/bữa. Hội đồng nhà trường cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp, cũng tăng cường tuyền truyền, vận động cha mẹ học sinh, đóng góp một phần kinh phí để chi trả tiền chất đốt, nước uống”, cô Bình cho biết thêm.

Khi Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh Lào Cai hết hiệu lực, tại huyện Mường Khương, học sinh 5 xã nông thôn mới gồm: Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai, Thanh Bình và Pha Long không còn được hưởng hỗ trợ trong năm học này. Tuy nhiên, qua kiểm tra đầu năm, tỷ lệ chuyên cần của các nhà trường vẫn luôn trên 90%.

Không có nhân viên, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lùng Vai thay phiên nhau nấu ăn cho các em học sinh bán trú
Không có nhân viên, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lùng Vai thay phiên nhau nấu ăn cho các em học sinh bán trú

Ông Hoàng Trường Minh, Quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Những khó khăn phát sinh khi chế độ hỗ trợ học sinh bán trú không còn đã được cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục huyện lường trước. Việc đầu tiên mà huyện triển khai ngay trong những ngày chuẩn bị bước vào năm học mới, đó là tuyên truyền đến cha mẹ học sinh hiểu và chuẩn bị tâm thế, có sự quan tâm hơn nữa đến việc học tập của con em mình.

 Cùng với đó, huyện cũng kêu gọi sự san sẻ của các trường, giữa trường đang được thụ hưởng chế độ với các trường hết chế độ. Đẩy mạnh phong trào “Bạn giúp bạn đến trường", vận động xã hội hóa công tác giáo dục từ các chương trình như: Chương trình nuôi em, chương trình cơm có thịt…

“Về lâu dài, tôi cho rằng cốt lõi vẫn là, sự vào cuộc của phụ huynh học sinh; có như vậy thì mới giải quyết khó khăn này một cách triệt để. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn và đề nghị Trung ương cần xem xét đối với các xã biên giới, vùng cao trên địa bàn huyện Mường Khương thì các chế độ, chính sách dành cho y tế và giáo dục thì không nên thay đổi, góp phần an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn”, ông Hoàng Trường Minh nêu ý kiến.

Chủ động thích ứng với thay đổi để tạo tiền đề cho giai đoạn kế tiếp, các mô hình như: Lương thực cho em, Tủ sách vùng cao; mô hình trường bán trú dân nuôi đã và đang được ngành Giáo dục, các nhà trường trong toàn tỉnh Lào Cai khởi động, tái khởi động  ngay từ năm học này, với mong muốn bảo đảm điều kiện ăn ở, học tập với tất cả học sinh bán trú.