Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đắk Nông phát huy hiệu quả từ nguồn vốn ủy thác

Anh Đức - 19:25, 25/08/2023

Với sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động ủy thác nguồn vốn vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Đắk Nông đã phát huy hiệu quả, chuyển tải dòng vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn vay ủy thác qua Ngân hàng CSXH, người dân trên địa bàn huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có điều kiện vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo
Từ nguồn vốn vay ủy thác qua Ngân hàng CSXH, người dân trên địa bàn huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có điều kiện vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo

Ông Lương Văn Thành ở xã Long Sơn, huyện Đắk Mil là một trong những gia đình được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ những nỗ lực của bản thân cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi khoa học mà đầu năm 2023, gia đình ông đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo. 

Theo ông Thành, trước đây, gia đình sống phụ thuộc vào 2ha cà phê. Giá cà phê mấy năm trước thấp, chi phí đầu tư cao, nên hầu như lợi nhuận thu về không đủ trang trải cuộc sống. Kinh tế vốn khó khăn lại càng bấp bênh hơn. Trước tình hình đó, ông được địa phương bình xét cho vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện thông qua nguồn vốn của chương trình cho vay hộ cận nghèo. Có vốn, ông đầu tư vào mua 5 con bò giống về nuôi. Quá trình nuôi thuận lợi, đàn bò sinh trưởng và tăng số lượng. Mỗi năm đàn bò sinh sản, ông xuất bán được hơn 2 lứa, thu về hàng chục triệu đồng

Ông Thành chia sẻ thêm: “Với mức thu nhập như hiện nay, gia đình cơ bản đã đáp ứng được chi phí sinh hoạt, con cái học hành. Hàng năm, gia đình cũng canh tác thêm nhiều loại rau màu khác để tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống gia đình từng bước cải thiện”.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH huyện Đắk Mil, hiện toàn huyện có dư nợ trên 485 tỷ đồng, với gần 10.100 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi. Trong đó, riêng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của huyện qua NHCSXH là 16 tỷ đồng. Với nguồn vốn được ủy thác, địa phương đã tạo điều kiện giúp nhiều hộ gia đình vay vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo.

Lãnh đạo xã Đắk Gằn (huyện Đăk Mil) hướng dẫn diệt rệp trên lá cà phê cho người dân tại bon Đắk Láp
Lãnh đạo xã Đắk Gằn (huyện Đăk Mil) hướng dẫn diệt rệp trên lá cà phê cho người dân tại bon Đắk Láp

Ông Phạm Hòa, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đắk Mil cho biết, huyện Đắk Mil là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp. Thế nhưng, hàng năm, huyện luôn quan tâm, ưu tiên trích nguồn ngân sách, ủy thác qua Ngân hàng CSXH để hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất. Trong năm 2023, huyện có kế hoạch trích ngân sách 4,5 tỷ đồng bổ sung qua Ngân hàng CSXH để cho các đối tượng chính sách vay.

Đắk Mil chỉ là một trong những huyện của Đắk Nông đã phát huy hiệu quả từ nguồn vốn ủy thác, tạo điều kiện cho người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Theo báo cáo, tính đến hết tháng 7/2023, tổng nguồn vốn uỷ thác của địa phương qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Nông đạt hơn 300 tỷ đồng, với 6.000 hộ vay vốn. Nguồn vốn ủy thác đều được UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố trích từ nguồn ngân sách, với mục tiêu năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, với sự vào cuộc của các địa phương trong thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách không ngừng tăng lên. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các huyện, thành phố của Đắk Nông đã ủy thác được hơn 54 tỷ đồng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH.

Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, đơn vị vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% so với năm 2022, tương đương tăng 366 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương phân bổ cho Đắk Nông khoảng 300 tỷ đồng. Số còn lại là Chi nhánh huy động và UBND tỉnh trích nguồn ngân sách ủy thác qua để cho vay. 

Với phương châm phát huy tốt nguồn vốn ủy thác, quá trình bình xét, giải ngân vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn… tại cơ sở luôn được đơn vị thực hiện tốt. Trong quá trình triển khai, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.