Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đắk Lắk: Hỗ trợ người lao động tìm việc làm ở các tỉnh phía Nam

Phan Trọng - 08:44, 13/12/2021

Hàng nghìn người dân Đắk Lắk về quê tránh dịch, đang có nhu cầu trở lại các tỉnh phía Nam làm việc. Để hỗ trợ người dân thuận lợi tìm việc làm, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương gấp rút xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã thành lập đoàn công tác trực tiếp đến TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương khảo sát, trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ người lao động.

Tỉnh Đắk Lắk cơ bản đã bao phủ vắc xin để người dân đi làm việc tại các tỉnh phía Nam
Tỉnh Đắk Lắk cơ bản đã bao phủ vắc xin, tạo diều kiện để người dân đi làm việc tại các tỉnh phía Nam

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp kết nối giúp người lao động

Để có thông tin về nhu cầu tuyển dụng, các chính sách ưu đãi cho người lao động của địa phương khi quay trở lại làm việc tại các tỉnh phía Nam, trong các ngày 2 - 3/12, Đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Lắk do ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đã đến làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, nhằm kết nối hỗ trợ cho người lao động trở lại làm việc sau dịch COVID-19.

Theo đó, đến thời điểm này, 3 tỉnh trên đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 140.000 lao động. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 60.000 lao động, Đồng Nai khoảng 40.000 lao động và Bình Dương khoảng 40.000 lao động.

Người lao động đến đăng ký làm thủ tục với mong muốn nhanh chóng được quay trở lại phía Nam làm việc
Người lao động đến đăng ký làm thủ tục với mong muốn nhanh chóng được quay trở lại phía Nam làm việc

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, về cơ bản, chính quyền các địa phương phía Nam, đã đồng ý với một số đề xuất do UBND tỉnh Đắk Lắk đưa ra, nhằm hỗ trợ người lao động được trở lại làm việc. Chúng tôi đã đề nghị các tỉnh, tạo điều kiện về việc làm cho người lao động trở lại nơi làm việc theo nguyện vọng, cần hỗ trợ tăng mức lương cơ bản để người lao động có tích lũy, kèm theo đó là các chính sách hỗ trợ an sinh giáo dục để ổn định cuộc sống lâu dài gắn bó với địa phương. Về phía tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp để tuyên truyền các chính sách giới thiệu việc làm cho người lao động tham khảo, quyết định lựa chọn.

Cùng với cam kết thực hiện chính sách giảm tiền thuê nhà, nâng mức lương cơ bản, nâng thu nhập làm tăng ca, các tỉnh còn triển khai hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ cho các lao động đang nuôi con nhỏ. Riêng tại tỉnh Bình Dương, đã có chủ trương sẽ xây dựng nhà ở cho người lao động, với số lượng khoảng 80.000 chỗ ở. Tỉnh Đồng Nai còn có chủ trương đề nghị Trung ương hỗ trợ 10.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội cho công dân.

Người lao động tại tỉnh Đắk Lắk đang được tư vấn việc làm
Người lao động tại tỉnh Đắk Lắk đang được tư vấn việc làm

Kết nối cung - cầu

Ông Nguyễn Tuấn Hà cho biết, trên cơ sở kết quả làm việc với các tỉnh phía Nam, Đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã đề nghị Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo để có các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp có chính sách ưu đãi tốt để tuyển dụng người lao động địa phương.

Ngoài ra, địa phương sẽ có văn bản đề nghị Trung ương xem xét, có chính sách hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam, có lực lượng lao động lớn được vay vốn xây dựng nhà ở xã hội, và có các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người lao động.

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đắk Lắk tư vấn việc làm cho người lao động
Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đắk Lắk tư vấn việc làm cho người lao động

Về phía cơ quan chuyên môn thực hiện chính sách cho người lao động, ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nên nhu cầu của người lao động đăng ký trở lại làm việc tại các tỉnh phía Nam trước Tết Nguyên đán năm 2022, chỉ có khoảng 5.000 người. Nhưng vào thời điểm sau Tết Nguyên đán năm 2022,  có khoảng 20.000 người.

Trước mắt, để hỗ trợ cho lao động sớm quay trở lại các tỉnh phía Nam làm việc, tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động. Sau đó, sẽ phối hợp mở giao dịch việc làm để người lao động kết nối với doanh nghiệp.

"Trong tuần này, sẽ có một số các doanh nghiệp, đơn vị tại các tỉnh phía Nam trực tiếp đến Đắk Lắk tuyển dụng lao động. Về phía địa phương, sẽ tạo điều kiện phối hợp tùy theo tình hình của dịch bệnh Covid-19, để mở các phiên giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp, để kết nối nhu cầu lao động", ông Thuân cho hay.