Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đăk Lăk: Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp

PV - 10:43, 30/10/2018

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk xuất hiện nhiều loại dịch bệnh như sốt rét, sởi-quai bị-rubela, tay-chân miệng (TCM)... Mặc dù, ngành chức năng và các cấp chính quyền tỉnh Đăk Lăk đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nhưng dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều mối lo.

Đăk Lăk Trẻ em mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nguyên.

Dịch chồng dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế Đăk Lăk, từ đầu tháng 10 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hàng chục ca dương tính với vi rút sởi, đánh dấu sự trở lại của bệnh sởi trên địa bàn sau một thời gian dài “vắng bóng”. Điều đáng lo ngại là nhiều ca bệnh tập trung tại một địa bàn nên rất dễ bùng phát thành ổ dịch.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho hay: Từ đầu tháng 10 đến nay, khoa đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp sốt phát ban (nghi là bệnh sởi), đa số đều tập trung ở địa bàn huyện Buôn Đôn. Qua xét nghiệm máu đã phát hiện 4 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Đa phần bệnh nhân vào viện đều là những trường hợp bị sốt, có phát ban dạng sởi, mắt đỏ, một vài trường hợp có biến chứng viêm phổi kèm theo.

Bên cạnh bệnh sởi, thời gian gần đây, trên địa bàn, bệnh TCM cũng đang diễn biến phức tạp, với số ca mắc tăng cao đột biến và xuất hiện nhiều ca bệnh nặng do vi rút EV71. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đăk Lăk cho biết: Tính đến giữa tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận 659 trường hợp mắc bệnh TCM, tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Bông, Ea H’leo, Cư Kuin. Thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, số trẻ mắc TCM tăng đột biến với khoảng 200 ca bệnh. Đáng lưu ý là hầu hết các ca bệnh TCM nặng đều được xác định có liên quan đến chủng vi rút EV71 là chủng vi rút có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, co giật, và gây ra nhiều biến chứng nặng: tổn thương các dây thần kinh, viêm màng não, suy tim cấp, viêm cơ tim cấp, viêm phổi, viêm tủy sống… dễ dẫn đến tình trạng sốc nặng và tử vong.

Một loại dịch bệnh khác cũng khiến cho người dân Đăk Lăk lo lắng là bệnh sốt rét. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng (SR-KST-CT) tỉnh Đăk Lăk, tính từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 357 trường hợp mắc sốt rét. Các ca bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn có nhiều đối tượng đi rừng ngủ rẫy và tiếp giáp với các tỉnh có nguy cơ cao về sốt rét như: Phú Yên, Gia Lai, Đăk Nông. Không chỉ gia tăng về số lượng, tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn còn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của sốt rét ác tính và sốt rét kháng thuốc.

Đăk Lăk Vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh sạch sẽ là cách tốt nhất để phòng ngừa dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Triển khai nhiều  biện pháp ứng phó

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ngành Y tế Đăk Lăk đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Về bệnh TCM, với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế kịp thời không để xảy ra dịch lớn và triển khai cho các địa phương thực hiện, trong đó có các kịch bản cho từng giai đoạn, từng tình huống đặt ra.

Để phòng chống bệnh sởi lây lan rộng, ngành Y tế Đăk Lăk đã tiến hành giám sát toàn bộ khu vực xung quanh các ổ dịch, thực hiện cách ly bệnh nhân và phun thuốc khử khuẩn tại gia đình người bệnh và khu vực xung quanh. Đồng thời, tiến hành điều tra, lên kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi miễn phí cho trẻ từ 9 tháng đến 15 tuổi, trong đó, tập trung chủ yếu ở trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi tại các ổ dịch và vận động những người từ 16 tuổi trở lên chưa tiêm phòng vắc xin sởi đi tiêm vắc xin sởi-rubella.

Trước tình trạng bệnh nhân mắc sốt rét gia tăng, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra giám sát; đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét đến người dân.

Ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y Đăk Lăk khuyến cáo: Để phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả cần có sự chung sức của cả xã hội và từng gia đình trong việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Ngoài ra, người dân cần phải có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh sạch sẽ, không cho các mầm bệnh có điều kiện để phát triển và lây lan.

LÊ PHƯƠNG