PV: Ông đánh giá như thế nào về mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV, thưa ông?
Ông Thạch Dương: Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh định kỳ 5 năm một lần. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và ghi nhận công lao đóng góp của đồng bào các DTTS trong công cuộc kiến thiết đất nước.
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV, năm 2024 là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời, khẳng định và ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Trên tinh thần đó, Đại hội nêu cao quyết tâm “các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
PV: Thưa ông, nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu lần thứ III, năm 2019, thông qua việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã thúc đẩy vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có bước phát triển như thế nào?
Ông Thạch Dương: Tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Vĩnh Long lần thứ III, năm 2019, các đại biểu đã nhất trí thông qua Quyết tâm thư, đồng lòng chung sức cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2019 - 2024, nâng cao đời sống đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc trong tỉnh.
Với tinh thần đó, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của đồng bào các dân tộc, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc.
Từ năm 2019 đến nay, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo; đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập và đời sống của Nhân dân.
Bên cạnh những tác động chung của cả nước, Vĩnh Long còn chịu tác động do biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá cả nông sản, thị trường tiêu thụ hàng hóa thiếu ổn định… gây bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhưng với quyết tâm các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Theo đó, trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã hỗ trợ nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề cho các đối tượng là người DTTS. Cụ thể, xây dựng mới 560 căn và hỗ trợ sửa chữa 225 căn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.770 hộ; hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề cho 780 hộ. Hỗ trợ giống và vật tư sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS là 630 hộ. Giai đoạn 2019 - 2024, đã đào tạo nghề cho 973 lao động người DTTS; Giải quyết việc làm mới cho gần 3.060 lao động...
Kết quả rà soát hộ nghèo DTTS năm 2019 là 1.352 hộ, chiếm 18,76% đến cuối năm 2023 còn 301 hộ DTTS, chiếm tỷ lệ 3,44% ; Hộ cận nghèo DTTS giảm còn 615 hộ/8.735 hộ DTTS (chiếm tỷ lệ 7,04%), bình quân hộ nghèo giảm 3,06%/năm (vượt chỉ tiêu đề ra 3%/năm tại Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III, năm 2019 ).
Kết quả này góp phần vào kết quả chung của toàn tỉnh là, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn giai đoạn 2021 - 2023 của tỉnh đạt 5,91%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 75,3 triệu đồng (so năm 2019 là 44,8 triệu đồng)
PV: Có thể nói, việc tổ chức Đại hội có mục đích và ý nghĩa rất quan trọng, ông có thể cho biết công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đã được tỉnh triển khai như thế nào?
Ông Thạch Dương: Sau khi có Công văn số 1302/UBDT-DTTS, ngày 27/7/2023 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV, năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện tổ chức Đại hội.
Theo đó, việc xây dựng báo cáo chính trị của Đại hội đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Nội dung đã đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... từ Đại hội trước đến Đại hội lần này và kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS các cấp. Đồng thời, tổ chức đóng góp ý kiến dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội của cấp trên và cấp mình phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới.
Các báo cáo điển hình của tập thể, cá nhân tiêu biểu về các lĩnh vực phải thể hiện được kết quả công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương... Trong đó, đề xuất về giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo.
Để chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, các địa phương căn cứ tình hình thực tế, tổ chức các hoạt động phù hợp, bảo đảm thiết thực, trang trọng, ý nghĩa. Dự kiến Đại hội Đại hội các DTTS tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV, năm 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 28/11/2024.
PV: Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, năm 2024 của tỉnh có những điểm nhấn gì, thưa ông?
Ông Thạch Dương: Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV, năm 2024 có chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Với chủ đề này, việc lựa chọn đại biểu phải đảm bảo có đầy đủ đại biểu đại diện cho cộng đồng các DTTS cư trú ở địa phương nơi tổ chức Đại hội, thuộc tất cả các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, khoa học - công nghệ, thương mại, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, tôn giáo, an ninh, quốc phòng…; đảm bảo hài hòa về cơ cấu độ tuổi, quan tâm đại biểu trẻ, tỷ lệ đại biểu nữ tham dự Đại hội tối thiểu đạt 30%...;
Đặc biệt quan tâm đảm bảo thành phần đại biểu phải có Người có uy tín, các vị sư trong Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, từ đó chia sẻ những kết quả đạt được trong thời gian qua; gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các DTTS đến Đại hội, góp phần cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh thắt chặt tình đòan kêt, chung tay xây dựng quê hương...
Để lan tỏa các phong trào thi đua, thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, năm 2024, hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030, tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội.
Ngay từ đầu năm 2024, Tiểu ban Tuyên truyền phục vụ Đại hội đã được thành lập. Nội dung tuyên truyền tập trung phản ánh kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các DTTS tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2019 - 2024; tuyên truyền các gương điển hình trong đồng bào DTTS của tỉnh....
Trân trọng cảm ơn ông!