Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Củng cố phên giậu quốc gia

Tùng Nguyên - 09:51, 13/06/2019

Thiếu sinh kế, thiếu cơ sở hạ tầng, nên công tác giảm nghèo ở các xã biên giới hiện vẫn rất nan giải. Tỷ lệ hộ nghèo cao, cùng với diễn biến phức tạp của các loại tội phạm ma túy, buôn bán người… là những “điểm nóng” luôn thường trực ở các địa bàn biên giới.

Bài 3: Những điểm yếu cần gia cố

Tỷ lệ nghèo chênh lệch lớn

Lạng Sơn có thể xem là một tỉnh khá trong số những tỉnh miền núi, biên giới với hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp nhộn nhịp; cùng với đó là các khu kinh tế, đô thị được đầu tư phát triển rầm rộ. Nhờ vậy, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tương đối khả quan. Như năm 2018, tổng thu ngân sách của Lạng Sơn đạt trên 5.400 tỷ đồng (trong khi Bắc Kạn chỉ thu được hơn 605 tỷ đồng; Cao Bằng thu gần 1.900 tỷ đồng,…).

Vậy nhưng, Lạng Sơn cũng là một trong số các tỉnh thường xuyên phải xin Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho Nhân dân; các hộ thiếu đói chủ yếu sinh sống những địa bàn ĐBKK ở 21 xã biên giới của tỉnh. Gần đây nhất, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (tháng 3/2019), Chính phủ cũng đã phải xuất cấp 217,860 tấn gạo để Lạng Sơn hỗ trợ người dân qua kỳ giáp hạt (thực tế theo rà soát của tỉnh Lạng Sơn thì cần hơn 465,5 tấn gạo). Trong dịp Tết và giáp hạt Mậu Tuất 2018, Lạng Sơn cũng đã được cấp hơn 345 tấn để hỗ trợ Nhân dân.

Đồng bào các DTTS vùng biên tham gia tuần tra bảo vệ biên giới. (Ảnh minh họa) Đồng bào các DTTS vùng biên tham gia tuần tra bảo vệ biên giới. (Ảnh minh họa)

Việc phải thường xuyên xin gạo hỗ trợ cứu đói cho thấy, công cuộc giảm nghèo ở tỉnh biên giới Lạng Sơn đang rất gian nan. Đặc biệt, nan giải nhất của Lạng Sơn hiện nay có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa bàn. Hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lạng Sơn giảm xuống còn khoảng 16%; vậy nhưng vẫn còn rất nhiều địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Như xã biên giới Thanh Long (huyện Văn Lãng), tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tới trên 42%.

Sự chênh lệch này còn thể hiện rất rõ ở tổng thu ngân sách. Nếu mức thu của tỉnh trong năm 2018 là trên 5.400 tỷ đồng thì ở nhiều xã biên giới, xã ĐBKK của tỉnh, mức thu chỉ đạt dưới chục triệu đồng/xã. Như xã Quan Bản (huyện Lộc Bình), thu ngân sách năm 2018 chỉ đạt 8 triệu đồng; trong Quý I/2019 cũng chỉ thu được gần 1,5 triệu đồng. Còn xã Thanh Long (huyện Văn Lãng), thu ngân sách trên địa bàn chưa năm nào vượt mốc 10 triệu đồng.

Không chỉ riêng Lạng Sơn mà ở những địa phương thuộc khu vực miền núi, biên giới khác, tình trạng chênh lệch về phát triển giữa các địa bàn cũng rất rõ nét. Như tỉnh Quảng Nam, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 31.537 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,57%. Nhưng ở 6 huyện miền núi, biên giới của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm 38,91%. Cá biệt có những xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: xã Ga Ri (huyện Tây Giang) là gần 80%...

Đói nghèo kéo theo tệ nạn

Tỷ lệ hộ nghèo cao, những điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế gia đình (cơ sở hạ tầng, sinh kế,…) còn thiếu, nên ở các địa bàn biên giới, tình hình an ninh trật tự cũng là vấn đề phải lưu ý, nhất là các loại tội phạm liên quan đến ma túy luôn là nỗi lo thường trực.

Như ở xã giáp biên Thanh Long (Văn Lãng, Lạng Sơn), toàn xã có 725 hộ dân với hơn 3.176 nhân khẩu thì có tới 201 đối tượng nghiện, hoặc từng sử dụng ma túy; 17 thôn, bản trong xã đều có người nghiện; mỗi năm ước có hơn 1.000 lượt người ở Thanh Long xuất cảnh trái phép.

Theo ông Ðàm Văn Trò, Chủ tịch UBND xã Thanh Long, nhiều năm trước, xã luôn là điểm “nóng” về an ninh trật tự. Nhiều đối tượng lấy nơi đây là điểm “trú chân” để hình thành các đường dây tội phạm, gây ra sự bất ổn ở vùng biên giới.

Cùng với diễn biến phức tạp của các loại tội phạm liên quan đến ma túy thì nạn buôn bán người qua tuyến biên giới cũng rất nhức nhối. Chỉ tính trong 5 năm (2012-2017), theo báo cáo của Bộ Công an đã có 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán (trên 80% nạn nhân là người DTTS).

Nguy cơ mất bản sắc văn hóa

Một vấn đề cũng không thể không lưu tâm trong phát triển kinh tế-xã hội các địa bàn biên giới là nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS sinh sống ở vùng biên. Vốn dĩ, đời sống văn hóa của đồng bào DTTS sinh sống ở khu vực biên giới có sự ảnh hưởng rõ nét từ quá trình giao thoa văn hóa giữa hai bên biên giới. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực thì cũng có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp làm phai nhạt, thậm chí làm mất đi những nét văn hóa bản sắc truyền thống đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Trên thực tế, các địa bàn biên giới nói riêng, vùng DTTS và miền núi nói chung, trong những năm qua đã được thụ hưởng nhiều chính sách đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội; bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng thực trạng nghèo cũng như những nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự, sự phai nhạt các nét văn hóa đặc sắc đang là một thực tế.

Vì vậy, để củng cố phên dậu quốc gia thì nhất thiết phải có những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp; thậm chí là phải xây dựng chính sách riêng cho địa bàn này. Trong đó phải xác định rằng, để “phên dậu” kiên cố thì phải xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Vì vậy, cần phải có các chính sách đầu tư, hỗ trợ Nhân dân vùng biên phát triển kinh tế.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ làm rõ hơn nội dung này trong số báo tiếp theo.