Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cùng “bắt tay” bảo vệ di sản văn hóa

Sỹ Hào - 19:28, 09/04/2024

Di sản văn hóa là tài sản chung của quốc gia. Để bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc, thì các bộ ngành, địa phương cần phải “bắt tay” nhau, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Cùng “bắt tay” bảo vệ di sản văn hóa
Nghệ thuật Xòe Thái đã được đón nhận và vinh danh là di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị.

Tại phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội diễn ra ngày 8/4/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, với ý thức và trách nhiệm cao, Bộ đã quyết liệt triển khai nhiệm vụ tham mưu, xây dựng dự thảo luật sửa đổi; đến nay hồ sơ dự thảo luật đã hoàn thành.

“Dự thảo luật không chỉ khắc phục các điểm nghẽn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước mà còn kiến tạo để phát triển”, ông Hùng khẳng định.

Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Hùng
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL

Tại phiên họp này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần lưu ý một số nội dung; trong đó cần làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa. Đồng thời, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Một trong những vướng mắc lâu nay là cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Sự chồng chéo, không rõ chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan trong quản lý di sản dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”; vấn đề tu bổ, tôn tạo mạnh ai nấy làm; biến di sản thành phương tiện để trục lợi… đã diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương.

Cùng “bắt tay” bảo vệ di sản văn hóa 2
Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội diễn ra ngày 8/4/2024.

Phải khẳng định, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do đó, trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa cần được tiếp cận với quan điểm này. Để di sản trường tồn thì các bộ ngành, địa phương cần ngồi lại với nhau để có được giải pháp hiệu quả nhất.

Câu chuyện về việc trùng tu di tích quốc gia Hải Vân quan (nằm giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Năng) là một ví dụ điển hình. Hải Vân quan có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc kết nối giữa hai vùng văn hóa là Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ; có ý nghĩa quan trọng về giao thông, quân sự, xã hội, văn hóa…

Hải Vân quan được xây dựng dưới thời Minh Mạng vào năm 1826. Trong một thời gian dài, Hải Vân quan xuống cấp, hư hỏng, biến thành phế tích.

Tuy nhiên, do Hải Vân quan tọa lạc ở một địa điểm mà ranh giới về hành chính giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế không rõ ràng. Đến nay, vấn đề phân định địa giới hành chính giữa 2 địa phương này vẫn chưa xong.

Nếu vẫn với tư tưởng “cha chung không ai khóc” thì chắc chắn, di tích lịch sử quốc gia Hải Vân quan sẽ biến mất vĩnh viễn. Rất may, năm 2017, hai địa phương đã “bắt tay”, cùng làm hồ sơ đề nghị Trung ương cho phép cùng trùng tu.

Đến giữa năm 2017, Bộ VHTT&DL đã xem xét và công nhận Hải Vân quan là Di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc chung của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng. Đó là cơ sở pháp lý rất quan trọng để 2 địa phương chung tay “cứu” Hải Vân quan.

Cùng “bắt tay” bảo vệ di sản văn hóa 3
Di tích quốc gia Hải Vân quan được bảo tồn từ sự “bắt tay” rất chủ động giữa TP. Đà Năng và tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Cuối năm 2021, cả hai địa phương phối hợp cùng thực hiện Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan, với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Việc trùng tu tuy có muộn nhưng đến nay đã cơ bản hoàn thành. ,

 Di tích Hải Vân quan cơ bản được phục hồi trở lại gần như bản gốc dưới thời Minh Mạng. Hiện di tích chưa mở cửa đón khách tham quan, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt khách trong nước và quốc tế ghé thăm điểm đặc biệt trên đỉnh đèo Hải Vân này.

Việc TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng “bắt tay” bảo vệ, phát huy di tích Hải Vân quan rất cần được nhân rộng trong công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa hiện nay. Đặc biệt, với những di sản mang tính biểu tượng mang giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng.

Còn nhớ, tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tối 24/9/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em, là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời là kinh nghiệm, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt Nam.

“Nghệ thuật Xòe Thái đã được đón nhận và vinh danh là di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng ta, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân dân gian dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung”, Thủ tướng khẳng định.

Cả nước hiện có khoảng 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong đó, có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 3.614 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó đã có khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên cả nước; trong đó có 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.