Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Covid-19 và lời dạy về đức tính tiết kiệm

Văn Hoa - 12:14, 12/09/2021

Người xưa thường dặn con cháu phải biết tiết kiệm, “tích cốc phòng cơ” để có một nguồn tài sản dự trữ, tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bài học về đức tính tiết kiệm lại một lần nữa được khẳng định.

Tạ Ngọc An, học sinh lớp 3A2 (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) mổ lợn tiết kiệm đã nuôi trong suốt 6 năm với số tiền 16.890.000 đồng để ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch. (Ảnh tư liệu)
Tạ Ngọc An, học sinh lớp 3A2 (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) mổ lợn tiết kiệm đã nuôi trong suốt 6 năm với số tiền 16.890.000 đồng để ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch. (Ảnh tư liệu)

Tiết kiệm là sử dụng của cải vật chất một cách đúng mức, hợp lý, không lãng phí, có tính toán xem xét đầy đủ các yếu tố nhằm giảm bớt chi tiêu trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, nhưng vẫn đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần hướng tới.

Tiết kiệm đem lại nhiều lợi ích, nó giúp cho mỗi người có một nguồn dự trữ cần thiết phòng khi có những biến động không tốt có thể xảy ra, như: Dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt... có thể dùng tới. Tiết kiệm chính là nền tảng bảo đảm cho sự phát triển lâu dài, bền vững cho mỗi cá nhân, cũng như xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đề cập rất nhiều về đức tính tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Người nêu rõ 3 nội dung của việc tiết kiệm, bao gồm: Tiết kiệm sức lao động, tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, một người làm bằng hai, ba người; tiết kiệm thời giờ, Người nói: “Thời giờ tức là tiền bạc”; tiết kiệm tiền của, là phải tiết kiệm tiền của Nhà nước, của Nhân dân và của chính mình.

Bản thân Người luôn gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm. Người nói: “Tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia, sản xuất mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và Nhân dân”. Người tiết kiệm tất cả mọi thứ, từ cái nhỏ như tờ giấy, bởi: “Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”. Trong sinh hoạt thường ngày, Người ăn mặc rất giản dị, nơi ở cũng đơn sơ. Người quan niệm: Tiết kiệm từ những việc nhỏ thì sẽ thành được điều to tát, nhờ tiết kiệm “mà lợi cho dân rất nhiều”.

Những năm gần đây, khi kinh tế đất nước ta đang trên đà phát triển, con người dễ dàng làm ra nhiều của cải vật chất, không còn phải lo đến cái ăn, cái mặc, nhiều nguồn của cải được dự trữ hơn, những căn nhà được xây lớn và vững chắc hơn... Đây cũng là lúc xuất hiện trào lưu sống hưởng thụ của một bộ phận người dân. Bởi kiếm được đồng tiền dễ dàng, họ thỏa sức chi tiêu phung phí “làm chừng nào xào chừng ấy", liên miên các cuộc trà dư tửu hậu; lãng phí thời gian trong các trang mạng xã hội, kiểu “sống ảo” mà quên đi giá trị thực với những hạnh phúc gần gũi xung quanh như gia đình, người thân...

Trên mạng xã hội, cư dân mạng xôn xao chuyện một cậu bé ở An Giang làm nghề bốc vác và làm thêm công việc vệ sinh giày, dành tiền tiết kiệm 2 năm để mua cho mình bộ sưu tập giày hàng hiệu, trong đó có đôi giày lên đến 28 triệu đồng. Hay ngoài những "rich kid" sinh ra, đã “ngậm thìa vàng” tiêu xài sang chảnh, thì vẫn có một bộ phận giới trẻ khác, tuy không thuộc gia đình giàu có, nhưng cũng có thói quen tiêu tiền không tiếc tay, đem gánh nặng tài chính đến cha mẹ. Những câu chuyện trên đúng sai không bàn đến, nhưng rõ ràng nó cũng nói lên một thực tế là, một bộ phận giới trẻ tiêu tiền không tiếc tay cho những "đam mê" của mình, không cần nghĩ đến ngày mai.

Covid-19 đã dạy cho con người về đức tính tiết kiệm (Trong ảnh: Chuẩn bị nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Tư liệu)
Covid-19 đã nhắc nhở mọi người về đức tính tiết kiệm (Trong ảnh: Chuẩn bị nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Tư liệu)

Và khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống thay đổi một cách nhanh chóng không hề được báo trước, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhiều tháng trời, và với hàng trăm người chết mỗi ngày.

Với những người có nguồn tài chính dự trữ nhờ vào sự nỗ lực và sống tiết kiệm, dù cuộc sống bị ảnh hưởng đôi chút, song vẫn bảo đảm sự ổn định bền vững. Còn với những người “làm chừng nào xào chừng ấy", thì bỗng chốc cuộc sống bị đảo lộn. Họ thuộc nhóm người dễ bị tổn thương nhất, cần sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội. 

Trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch, xuất hiện nhiều điển hình, những tấm gương tiết kiệm như: Tiết kiệm vắc xin phòng Covid-19; hạn chế chi tiêu trong sinh hoạt, sử dụng số tiền tiết kiệm nhiều năm... để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và những người yếu thế trong xã hội...

Đại dịch Covid-19 một lần nữa nhắc nhở mỗi người cần thường xuyên thực hành tiết kiệm. Không ai có thể đoán và lường trước được dịch Covid-19 bao giờ sẽ hết, bởi những biến chủng của nó liên tục thay đổi với mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh mỗi người cần tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của và sức lao động để làm những điều có ích cho xã hội.