Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ

PV - 13:55, 15/02/2023

Theo khảo sát, 20,8% thanh niên Pháp từ 18 - 24 tuổi ghi nhận có thời gian rơi vào trạng thái trầm cảm trong 12 tháng qua; trong khi khoảng 57% thanh thiếu niên nữ giới ở Mỹ thường xuyên buồn bã, thất vọng.

Ảnh minh họa (Nguồn: (Nguồn: mibluesperspectives)
Ảnh minh họa (Nguồn: (Nguồn: mibluesperspectives)

Một nghiên cứu của Cơ quan y tế công của Pháp công bố ngày 14/2 đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể số người trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được cho là do dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch.

Theo kết quả đợt khảo sát định kỳ về sức khỏe tâm thần ở Pháp, được thực hiện năm 2021 - 1 năm sau giai đoạn dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, có 20,8% thanh niên trong độ tuổi từ 18 - 24 ghi nhận có thời gian rơi vào trạng thái trầm cảm trong 12 tháng qua, cao hơn hẳn con số 11,7% ghi nhận trong khảo sát trước đó được tiến hành năm 2017. Tỷ lệ trầm cảm trong người trẻ cũng cao gần gấp đôi so với toàn bộ người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 - 85.

Các chuyên gia cho rằng sinh viên và những người trẻ tuổi thuộc nhóm đối tượng chịu tác động sâu sắc của tình trạng phong tỏa, giãn cách xã hội và các hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch bệnh. Bất ổn do dịch bệnh làm tăng thêm tâm lý lo âu vốn thường xuất hiện ở người mới trưởng thành.

Các cơ quan y tế Mỹ ngày 13/2 cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở học sinh trung học tại nước này, đặc biệt là học sinh nữ.

Báo cáo cho biết năm 2021, gần 3/5 (khoảng 57%) thanh thiếu niên nữ giới ở Mỹ thường xuyên trong tình trạng buồn bã hoặc thất vọng, gấp đôi tỷ lệ ở nam giới. Tỷ lệ này tăng gần 60% kể từ năm 2011 và là mức cao nhất được ghi nhận trong thập kỷ qua.

Trong khi đó, một nghiên cứu mới về hậu quả của COVID-19 tại Mỹ cho thấy có khoảng 50% bệnh nhân trong độ tuổi trưởng thành nhiều tháng sau khi xuất viện vẫn có những triệu chứng bệnh, gặp khó khăn về tài chính và hạn chế về các hoạt động thể chất.

Nghiên cứu do Khoa Phổi thuộc Viện Tim, phổi và huyết học Mỹ thực hiện đối với 825 bệnh nhân COVID-19 ở 44 bệnh viện trên toàn nước Mỹ, theo đó 75,4% số bệnh nhân này gặp các vấn đề về tim phổi trong 6 tháng sau khi xuất viện như ho, nhịp tim nhanh hoặc không đều và khó thở.Trong khi đó, có hơn 50% số bệnh nhân gặp khó khăn về tài chính.

Theo người đứng đầu Khoa Phổi thuộc Viện Tim, phổi và huyết học Mỹ, ông James P. Kiley, kết quả nghiên cứu này sẽ giúp đề ra các chương trình hỗ trợ người dân Mỹ phục hồi sau dịch COVID-19 cũng như cách thức để các bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 sau thời gian điều trị tại bệnh viện. Ông cho rằng kết quả này có thể góp phần định hình những nghiên cứu lâm sàng trong tương lai./.