Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cột mốc mới của điền kinh Việt Nam

PV - 10:30, 01/08/2021

Quách Thị Lan trở thành vận động viên (VĐV) đầu tiên trong lịch sử điền kinh Việt Nam góp mặt tại bán kết một kỳ Olympic.

Quách Thị Lan (giữa) vào bán kết Olympic nội dung chạy 400m vượt rào nữ. Ảnh: Reuters
Quách Thị Lan (giữa) vào bán kết Olympic nội dung chạy 400m vượt rào nữ. Ảnh: Reuters

Nói đến sân chơi đỉnh cao Olympic là nhắc đến điền kinh. Mà nhắc đến điền kinh thì phải kể tới nội dung chạy 400m vượt rào. Đây là nội dung khó, đòi hỏi tốc độ và kỹ thuật rất cao. Quách Thị Lan vinh dự là VĐV gốc châu Á duy nhất thi đấu ở nội dung này tại Olympic Tokyo 2020.

Không được đánh giá cao trước các tinh anh của điền kinh thế giới, song Quách Thị Lan đã về đích thứ 5 ở nhóm 3 vòng loại với thời gian 55 giây 71-thành tích tốt thứ hai trong sự nghiệp của cô. Kỷ lục cá nhân của Quách Thị Lan là 55 giây 30 từng giúp VĐV này giành huy chương vàng ASIAD 2018. Tại Olympic Tokyo 2020 lần này do VĐV L.Nugent (Jamaica) phạm lỗi lấn làn, nên Quách Thị Lan được đôn lên xếp thứ 4 để vào bán kết.

Điền kinh Việt Nam luôn góp mặt ở Olympic kể từ năm 1988, nhưng cho đến trước năm 2021 chưa có VĐV nào vào tới bán kết. Trước đó, chỉ có một VĐV vượt qua vòng loại và dừng bước tại tứ kết là Vũ Thị Hương ở nội dung 100m nữ tại Olympic Bắc Kinh 2008. Bởi vậy, kết quả trên của Quách Thị Lan đã tạo cột mốc mới cho điền kinh Việt Nam ở đấu trường Thế vận hội.

Góp mặt tại Olympic là thành công lớn đối với các VĐV điền kinh Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung chứ chưa nói gì đến khả năng cạnh tranh huy chương. Tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Đông Nam Á góp mặt tới 168 VĐV, nhưng chỉ 14 trong số đó tham dự môn điền kinh. Điều đó cho thấy sự khắc nghiệt, danh giá của môn điền kinh cho bất cứ ai có vinh dự được thi đấu và tiến sâu tại Olympic.

Quách Thị Lan là một trong số ít VĐV điền kinh Việt Nam được đầu tư trọng điểm trong những năm qua. Tiếc rằng, việc Lan được phát hiện khá muộn (năm 16 tuổi), cộng với chấn thương đầu gối liên miên khiến VĐV này vẫn chưa đạt đến đẳng cấp cao nhất. Vui cho Quách Thị Lan nhưng chúng ta cũng không ảo tưởng bởi điền kinh tại Olympic là đấu trường đẳng cấp mà không phải VĐV nào cũng có thể chạm tới. Bản thân Quách Thị Lan cũng hiểu rõ điều đó với khẳng định: “Được chạy với những VĐV hàng đầu thế giới tại bán kết là một niềm tự hào. Tôi xem đó là cơ hội học hỏi, hoàn thiện bản thân và bản lĩnh thi đấu”.