Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Công nhân, người lao động Vĩnh Phúc chung sức cùng chính quyền vượt qua đại dịch

Văn Hoa - 19:40, 12/08/2021

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Vĩnh Phúc đang quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát động Phong trào “Công nhân lao động Vĩnh Phúc chung sức cùng chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh".

Phong trào góp phần thực hiện
Phong trào góp phần thực hiện

Sẵn lòng chia sẻ

Nội dung cụ thể của phong trào, là vận động mỗi công nhân là người Vĩnh Phúc giúp đỡ tối thiểu 1 công nhân lao động là người tỉnh ngoài không có chỗ ở, đang đi về hằng ngày, hiện đang ở cùng tổ, đội, dây chuyền sản xuất với mình, về nhà mình. Để bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, khi nhận giúp đỡ công nhân lao động đến nghỉ tại nhà, công nhân tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện việc khai báo tạm trú, khai báo y tế tại địa phương theo quy định; thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch Covid-19. 

Đồng thời, thực hiện nguyên tắc “1 cung đường 2 địa điểm”. Trong đó, 1 cung đường là chỉ duy nhất 1 cung đường từ nhà đến công ty; còn 2 địa điểm là địa điểm nơi ở của người lao động và điểm còn lại là công ty.

Ngay khi phong trào được phát động, nhiều công nhân lao động Vĩnh Phúc, kể cả các công nhân đang thuê trọ đã sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ chỗ ở cho các công nhân ngoại tỉnh làm việc cùng tổ, nhóm với mình. Điển hình như: Toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty TNHH Compal Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện I (Bình Xuyên) đã nhiệt tình hưởng ứng. Hàng chục công nhân ngoại tỉnh được những công nhân trong tỉnh Vĩnh Phúc, hoặc công nhân ở trọ giúp đỡ. 

Anh Hoàng Đình Thắng, quê ở Phú Thọ, khi nắm được thông tin anh Diệp Văn Bính, quê ở Thái Nguyên, cùng công ty gặp khó khăn về chỗ ở, anh Thắng đã tạo điều kiện để anh Bính về ở cùng mình. Anh Thắng chia sẻ, dù phòng trọ chỉ hơn 10m2, nhưng khi có thêm người ở cùng, anh cũng thấy vui hơn vì đã làm được một việc ý nghĩa. "Hơn hết, việc giúp đỡ anh Bính cũng giúp cho dây chuyền sản xuất của công ty hoạt động bình thường, cũng là tự giúp mình có công việc ổn định", anh Thắng cho hay.

Anh Nguyễn Duy Quang, công nhân Công ty CP Prime Vĩnh Phúc cho biết: Trong nhà máy có 14 người như anh, đều ở Mê Linh (Hà Nội), nên khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các anh rất lo lắng trong việc tìm chỗ ở. Nhưng thật may, ngay ngày hôm sau, công ty đã quyết định dành dãy nhà 2 tầng, với 8 phòng đầy đủ tiện nghi làm chỗ ăn, nghỉ cho các anh. Đồng thời, miễn phí toàn bộ tiền ăn ngày 3 bữa cho 14 công nhân ngoại tỉnh.

Công nhân thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu
Công nhân thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

Lan tỏa việc làm ý nghĩa nhân văn

Nhiều doanh nghiệp cũng tạo điều kiện chỗ ăn, ở cho người lao động ngay trong khuôn viên nhà máy, hoặc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thuê nhà ở cho công nhân, nhằm ổn định nguồn lao động, góp phần cùng tỉnh đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng sẵn sàng đón công nhân ngoại tỉnh là người quen, người ở tỉnh khác đến ở tại gia đình.

Đặc biệt, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn tỉnh đã giảm tiền thuê phòng, hay dành các phòng trọ miễn phí hỗ trợ công nhân ngoại tỉnh. Như gia đình anh Bùi Tiến Đồng, chủ cơ sở Q2 Rent House, thôn Ngũ Hồ, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên. Với gần 100 phòng trọ khép kín, diện tích hơn 20 m2/phòng, trong tháng 8 này, gia đình anh sẽ miễn phí tiền thuê trọ cho tất cả người lao động và dành gần 20 phòng trọ miễn phí cho lao động ngoại tỉnh đến ở.

Theo thống kê của các ngành chức năng, Vĩnh Phúc có khoảng 14.000 công nhân lao động ngoại tỉnh đi về hằng ngày như Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên; trong đó có hơn 2.000 chuyên gia, cán bộ quản lý và lao động ở TP. Hà Nội. Những ngày qua, khi TP. Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc đi lại của người lao động khó khăn, vất vả hơn do phải thực hiện thủ tục hành chính tại các chốt kiểm soát dịch.

Nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; đồng thời, duy trì việc sản xuất tại các doanh nghiệp, thì việc bố trí chỗ ở, nghỉ cho khoảng 14.000 công nhân lao động này là vấn đề quan trọng đối với Vĩnh Phúc hiện nay. Vĩnh Phúc đã bố trí một số khu ký túc xá cho công nhân, nhưng cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu, với số lượng nêu trên.

Với phong trào bằng hành động kịp thời, việc làm ý nghĩa trên đã phát huy hiệu quả tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19; duy trì được quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Vĩnh Phúc là mức tăng trưởng cao nhất so với vùng Đồng bằng Sông Hồng và cao thứ 3 toàn quốc, đồng thời là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây. Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 19.139 tỷ đồng, đạt 62,3% dự toán và bằng 133% so với cùng kỳ năm trước.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)