Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu"

PV - 18:05, 29/07/2023

Gặp mặt những người hiến máu tình nguyện tiêu biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, khoa học, công nghệ ngày hôm nay chưa đủ khả năng để tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều ngày 29/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Cùng tham dự cuộc gặp mặt có đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện

Chương trình tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức từ ngày 27/7 đến ngày 29/7.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, từ khi Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện được thành lập (năm 2008) đến nay, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận hơn 16 triệu đơn vị máu, lượng máu thu được năm sau luôn cao hơn năm trước, từ hơn 500 nghìn đơn vị (2008) lên hơn 1,4 triệu đơn vị (2022), trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện; chất lượng máu ngày càng tốt hơn.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 2.

Cuộc gặp mặt càng có ý nghĩa hơn khi nhân dân cả nước đang tự hào tổ chức rất nhiều sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến nay 100% số tỉnh, thành phố; quận, huyện và 86% số xã, phường đã lập ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện. Phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành hoạt động thường xuyên, lan tỏa sâu rộng, trao truyền tình cảm yêu thương, thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội, mang lại sự sống, niềm hy vọng, hạnh phúc cho biết bao gia đình. Trong đó, nhiều lực lượng rất tích cực tham gia hiến máu như y tế, công an, quân đội, thanh niên, chữ thập đỏ…

Nhiều hoạt động hiến máu tình nguyện trên khắp cả nước đã được tổ chức thành công, hiệu quả, trở thành phong trào, phù hợp với từng đối tượng, thu hút đông đảo các lực lượng tham gia, tiêu biểu là các chiến dịch lớn như: Lễ hội Xuân Hồng, Chương trình Chủ nhật Đỏ, Hành trình Đỏ, chiến dịch "Những giọt máu hồng hè"…

Đây là năm thứ 15 Chương trình tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tổ chức. Mỗi năm có 100 tấm gương tiêu biểu từ khắp mọi miền đất nước được lựa chọn tôn vinh, tổng số đã có 1.500 lượt đại biểu được biểu dương.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, từ năm 2008 đến nay, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận hơn 16 triệu đơn vị máu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong số 100 đại biểu được tôn vinh năm nay, có 20 đại biểu nữ, 16 đại biểu thuộc khối giáo dục, 8 đại biểu là nhân viên y tế, 7 đại biểu thuộc lực lượng vũ trang và 3 đại biểu người dân tộc thiểu số. Đại biểu lớn tuổi nhất là 61 tuổi, đại biểu trẻ nhất là 22 tuổi.

Có 10 đại biểu đã hiến máu từ 19 - 29 lần, 60 đại biểu đã hiến máu từ 30 - 49 lần, 20 đại biểu đã hiến từ 50 - 69 lần, 8 đại biểu đã hiến từ 70 - 99 lần, 2 đại biểu hiến từ 100 lần trở lên. Tổng số 100 đại biểu năm nay có số lần hiến máu, hiến tiểu cầu lên đến gần 4.500 đơn vị.

Đại biểu Hồ Kim Phượng (TPHCM) chia sẻ, bà cứ định kỳ 3 tháng tham gia hiến máu 1 lần suốt từ những năm 1997 đến nay.

"Được chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, cơ cực, tôi luôn nghĩ "mình cho được ai cái gì thì cho, giúp được ai cái gì thì giúp". Máu của mình có sẵn trong cơ thể, mình có thể giúp người, giúp đời đến khi nào không còn sức khoẻ thì thôi. Gia đình tôi có 4 người, tổng số lần hiến máu của 4 thành viên hơn 250 lần hiến máu, chồng tôi 72 lần và hiện giờ đã hết tuổi hiến máu, con gái 52 lần, con trai 48 lần và hai con vẫn sẽ tiếp tục tham gia hiến máu đến khi nào không đủ điều kiện thì thôi", bà Phượng cho biết.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 3.

Đại biểu Hồ Kim Phượng cứ định kỳ 3 tháng tham gia hiến máu 1 lần suốt từ những năm 1997 đến nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những minh chứng sống, tấm gương sáng về người tốt, việc thiện

Phát biểu tại cuộc gặp mặt sau khi lắng nghe chia sẻ của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động khi được gặp gỡ các đại biểu đại diện hàng triệu người hiến máu tình nguyện trong cả nước.

Ông đặc biệt ấn tượng khi có những đại biểu đã 80, 90, thậm chí trên 100 lần hiến máu và các thành phần của máu như các đại biểu Trần Minh Mến (Bình Thuận), Trần Như Dũng (Hà Nội), Hồ Kim Phượng (TPHCM); hay những gia đình tham gia hiến máu tiêu biểu như gia đình đại biểu Võ Tấn Cường (Vĩnh Long), gia đình đại biểu Hà Quốc Hải (Đà Nẵng)… Các đại biểu còn là những tấm gương sáng tích cực tham gia vận động gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội cùng hiến máu, trong đó có những người đã bền bỉ góp sức 30 năm qua.

Nhiều bạn trẻ khi tham gia hành trình "Hiến máu cứu người" không những có thêm những kỷ niệm đẹp mà còn trưởng thành hơn, thêm vốn sống, khát vọng cống hiến ngày càng nhiều cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Nhiều bạn ở khắp mọi miền Tổ quốc đã kết nối với nhau thành mạng lưới thiện nguyện, thành cộng đồng của "những tấm lòng cao quý".

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Minh Mến (Bình Thuận) đã có 102 lần hiến máu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khoa học, công nghệ ngày hôm nay chưa đủ khả năng để tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu. Trái tim con người không chỉ ủ dòng máu nóng hổi, mà còn nồng ấm tình nhân ái, sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc.

Nhắc tới câu ca dao "Có câu tích đức tu thân/Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri", Thủ tướng rất xúc động khi được nghe chia sẻ của các đại biểu, cũng như nhiều câu chuyện rất đáng nhớ khác mà ông được biết. Như trường hợp một sản phụ tại Hòa Bình mất máu quá nhiều khi mổ cấp cứu, trong khi nguồn máu dự trữ tại Trung tâm Y tế huyện đã hết, các đồng chí cán bộ, chiến sĩ công an huyện Kim Bôi kịp thời hiến máu khẩn cấp, cứu sống bệnh nhân.

Thủ tướng cũng nhắc tới câu chuyện một nam thanh niên mất quá nhiều máu do tai nạn giao thông đã được kịp thời cứu sống do nhận được máu của bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên - Quảng Ninh hiến; hay trường hợp nam thanh niên ở Quảng Nam mất nhiều máu do tai nạn lao động đã được cứu sống bởi những giọt máu quý giá của các chiến sĩ công an tỉnh.

"Và còn đó rất nhiều trường hợp lâm vào nguy kịch do thiếu máu đã được kịp thời cứu sống nhờ những giọt máu vô giá của hàng triệu người hiến máu trên cả nước, trong đó có những giọt máu của 100 người hiến máu tiêu biểu có mặt tại đây hôm nay. Một trăm đại biểu hôm nay là biểu tượng đẹp của lòng nhân ái, của trái tim sẻ chia và lan tỏa yêu thương, năng lượng tích cực trong cộng đồng, xã hội, vì sự phát triển của đất nước. Các anh chị thực sự là những minh chứng sống, tấm gương sáng về người tốt, việc thiện, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp to lớn xây dựng xã hội giàu tình người, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo động lực, truyền cảm hứng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng phát biểu.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 5.

Đại biểu Triệu Thị Lan Hạnh là 1 trong 3 đại biểu người dân tộc thiểu số hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một giọt máu cũng quý cũng cần được trân trọng

Thủ tướng nêu rõ, cuộc gặp mặt càng có ý nghĩa hơn khi nhân dân cả nước đang tự hào tổ chức rất nhiều sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; thành kính tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, tri ân những người có công với cách mạng - những người đã cống hiến, không tiếc máu xương của mình, chiến đấu trong các cuộc đấu tranh đầy cam go, ác liệt vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển. Ngay trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 07/4/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư kêu gọi, động viên đồng bào, đồng chí và các chiến sĩ cả nước tham gia hiến máu tình nguyện.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động khi được gặp gỡ các đại biểu đại diện hàng triệu người hiến máu tình nguyện trong cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát huy truyền thống "thương người như thể thương thân", hàng triệu người đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện, đem những giọt máu hồng của mình cứu giúp người nguy kịch. Những năm qua, biết bao con người, bao cuộc đời đã được hỗ trợ, cứu giúp, giành lại cuộc sống giữa ranh giới sinh tử mong manh nhờ có những giọt máu vô giá, kịp thời của những người hiến máu tình nguyện trên cả nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các ban, bộ, ngành, đoàn thể liên quan đã nỗ lực tham mưu, làm tốt cuộc vận động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, tạo ra phong trào, xu thế, đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh: Máu là vô giá. Một giọt máu cũng quý, cũng cần được trân trọng. Hiến máu không chỉ là một thuật ngữ y tế, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng gieo thêm những hạt giống tình người trong cuộc sống và tô đẹp thêm truyền thống tương thân, thương ái của dân tộc Việt Nam. "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại". Hoạt động hiến máu tình nguyện vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận, vừa là "mệnh lệnh" từ trái tim của mỗi người.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 8.

Thủ tướng: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực tế hiện nay, mặc dù phong trào hiến máu đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nhưng nhu cầu máu trong xã hội còn rất lớn. Nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu. Một số nơi, một số địa bàn, phong trào còn mỏng, số lượng người đi hiến máu còn ít như các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

"Tất cả những điều đó để nói lên rằng phong trào hiến máu ngày càng cần thiết, cần thiết hơn nữa và cần sự tham gia đông đảo hơn nữa của cộng đồng xã hội. Biết bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận đã, đang và sẽ được cứu sống bằng chính hành động hiến máu của chúng ta. Chúng ta hãy tích cực làm điều đó để thắp sáng, tiếp nối sự sống của những người cần máu bằng lòng nhân ái, tình yêu thương, sự che chở, đùm bọc", Thủ tướng phát biểu. 

Thời gian tới, để công tác hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện tiếp tục phát triển, lan tỏa sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, Thủ tướng đề nghị hưởng ứng và thực hiện hiệu quả lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước".

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà các đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan để thực hiện tốt hơn nữa chế độ, chính sách đối với người hiến máu tình nguyện; tiếp tục xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác hiến máu tình nguyện.

Cùng với đó, có các giải pháp, hoạt động thiết thực, cụ thể, tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hơn nữa công tác vận động hiến máu tình nguyện; đặc biệt quan tâm đến chất lượng, an toàn, tính bền vững của hoạt động hiến máu tình nguyện. Củng cố, xây dựng các điểm hiến máu, ngân hàng máu ổn định, đầy đủ và an toàn; chủ động điều tiết máu trong cả nước bảo đảm hợp lý, khoa học để phục vụ người bệnh.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý, cần thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác hiến máu; nhanh chóng thống nhất, đồng bộ thông tin người hiến máu trên toàn quốc, kết nối giữa người hiến máu, trung tâm truyền máu, các ngân hàng máu và các bệnh viện để nâng cao tính chủ động, kịp thời trong mọi tình huống.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, nhất là các lực lượng tích cực như y tế, công an, quân đội, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác hiến máu tình nguyện; phát huy vai trò của ban chỉ đạo các cấp; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người hiến máu tình nguyện tiếp tục tham gia hiến máu thường xuyên.

Các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu bằng những hình thức, cách làm đổi mới, sáng tạo, nội dung phong phú, hấp dẫn, trên nhiều phương tiện; nêu gương, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, lan tỏa những hành động nhân ái, nghĩa tình trong hoạt động "hiến máu cứu người" được lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

'Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu' - Ảnh 10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, cần kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các biện pháp khoa học, y học, tâm lý học, xã hội học, các công nghệ và biện pháp truyền thông mới để làm tốt hơn nữa công tác này, để có nguồn máu an toàn nhất, chất lượng nhất, đầy đủ nhất, kịp thời nhất cho cấp cứu và điều trị với người bệnh, tại mỗi bệnh viện.

"Hằng ngày, hằng giờ trên cả nước vẫn có những trường hợp không may, hoàn cảnh thương tâm, nguy kịch do mất máu khi gặp phải tai nạn hay bị bệnh nặng, nan y, cần có nguồn máu để duy trì mạng sống. Những lúc đó, người bệnh chỉ biết trông chờ từ những trái tim nhân ái, những tấm lòng vàng, với trách nhiệm và tình cảm của cộng đồng.

Tôi mong muốn và tin tưởng rằng 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu đang có mặt tại đây và hàng triệu người hiến máu tình nguyện trên cả nước sẽ tiếp tục phát huy tinh thần nhân ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với nghĩa đồng bào ruột thịt, "con Lạc cháu Hồng", "nhiễu điều phủ lấy giá gương", không ngừng đóng góp, chia sẻ những giọt máu của mình vì cộng đồng, vì xã hội. Đồng thời, trở thành những hạt nhân nòng cốt, là những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tinh thần, nghĩa cử cao đẹp, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, để "dòng máu Lạc Hồng" cứu được nhiều người hơn nữa, góp phần để đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc và không có ai bị bỏ lại phía sau.

Hiến máu là nuôi dưỡng sự sống, thắp sáng niềm hy vọng, thắp sáng ước mơ, thắp sáng những điều tốt đẹp trong cộng đồng, trong xã hội. Và tất cả chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục hành trình thắp sáng, hành trình "hiến máu cứu người" đầy ý nghĩa lớn lao và trách nhiệm nhân văn cao cả; cùng nhau tôn vinh, trân trọng, cảm ơn những người hiến máu tình nguyện", Thủ tướng nhắn nhủ và kêu gọi.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.