Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Có một không gian Tây Nam bộ trên Cao nguyên Đăk Lăk

Lê Hường - 09:43, 12/04/2021

Tận dụng ưu thế đất đai rộng, khí hậu thuận lợi và niềm đam mê nông nghiệp hữu cơ, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thành, sinh năm 1998, thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk đã tự mày mò, tìm hiểu và xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, lập nên một "miệt vườn" Tây Nam Bộ trên cao nguyên.

Hàng dừa trồng thành hàng quanh bờ ao tạo cảm giác giống như miệt vườn giữa mảnh đất Tây Nguyên
Hàng dừa trồng quanh bờ ao tạo cảm giác giống như miệt vườn ở vùng Tây Nam bộ trên đất Tây Nguyên

Vượt qua nghịch cảnh

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chừng 30km, thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar được coi là vùng đất khó. Bởi, diện tích rộng, song để canh tác, sản xuất được trên khu vực này  là rất gian nan.

Vậy nhưng, anh Nguyễn Đức Thành đã làm nên một kỳ tích. Chàng trai mới 23 tuổi này đang sở hữu cơ ngơi tiền tỉ, với 2ha cây ăn trái, 6 ao nuôi tôm, cá và cơ sở cung cấp cây giống uy tín cho người dân trong vùng.

Thành là con út trong gia đình thuần nông, có 2 chị em. Năm học lớp 9, bố Thành đổ bệnh rồi mất, gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Gia tài của 3 mẹ con chỉ có 1,1 ha đất cằn cỗi trồng tiêu và mấy ao nuôi cá. 

“Lúc đó, mình tủi thân lắm, mồ côi cha, nhà nghèo nhiều người coi thường. Quyết định bỏ học dở chừng, lấy động lực từ những câu chê bai của thiên hạ để quyết tâm thay đổi hoàn cảnh. Ban ngày mình đi làm thuê lúc nghỉ lên mạng tìm hiểu thông tin, kiến thức nông nghiệp”, Thành chia sẻ.

Năm 2015, Thành xin mẹ đánh hết cá trong ao bán được 100 triệu đồng, đầu tư xây chuồng mua 6 con bò về nuôi. May mắn không mỉm cười, bò tự nhiên mất giá bán lỗ vốn, còn vườn tiêu bị sâu bệnh chết hết. Không nản lòng, xem trên mạng thấy nông dân miền Tây có nhiều mô hình hay, Thành tự mày mò xuống làm thuê 3 tháng không công để hiểu cách làm nông nghiệp.

“Nông dân miền Tây thật thà, chất phác, họ đã tận tình chỉ dạy nên mình nắm bắt kiến thức rất nhanh. Làm thuê cho nhiều nhà vườn với những mô hình khác nhau, mình học hỏi được nhiều điều bổ ích”, Thành tâm sự.

Năm 2016, Thành phá vườn tiêu, cải tạo đất, vay ngân hàng 50 triệu đồng và tự mình xuống miền Tây chọn 100 cây ổi lê, 150 cây dừa xiêm và 50 cây vú sữa bơ hồng về trồng. Dừa và ổi dễ trồng, nhưng đất nhà anh nhiều sỏi đá, thuộc loại cằn cỗi, bạc màu nên Thành chuyển hướng làm nông nghiệp hữu cơ, chỉ dùng chế phẩm sinh học để vừa cải tạo đất vừa tốt cho cây trồng. 

"Trong quá trình khởi nghiệp, mình được sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành, chính quyền địa phương. Đến nay, mình có thể tự hào mình đã thành công với mô hình nông nghiệp hữu cơ". 

Nguyễn Đức Thành
Nguyễn Đức Thành

“Mọi người ai cũng bảo mình điên khùng, trồng hữu cơ chi phí cao mà không có lời gì mấy. Vừa làm vừa rút kinh nghiệp, khi ổi cho thu lứa trái đầu được thị trường đón nhận vì chất lượng tốt, ăn ngon. Ổi này ra trái quanh năm nên chẳng bao lâu mình thu hồi vốn”, Thành nói.

Song song với trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, Thành vẫn duy trì nghề nuôi cá truyền thống của gia đình, dùng men sinh học và đậu nành, bắp làm thức ăn. Năm 2017, Thành học cách nuôi tôm càng xanh. Sau vài lần thất bại, năm 2020, Thành đã thu được 6 tạ tôm càng xanh thương phẩm. Thuận lợi lớn nhất của anh là mẹ luôn ở bên ủng hộ, động viên.

Thành là người đầu tiên nuôi tôm càng xanh ở Đắk Lắk
Thành là người đầu tiên nuôi tôm càng xanh ở Đắk Lắk

"Miệt vườn" trên cao nguyên

Rặng dừa hai bên đường vào Nông trại hữu cơ Đức Thành dài hun hút. Bên trong là những cây vú sữa, ổi, chanh trĩu quả, khiến bất cứ ai đi qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn và tò mò về chủ nhân của nó. 

Hiện trang trại của Thành có khoảng 6 loại cây ăn trái, trong đó có 300 cây dừa được trồng quanh các bờ ao, dọc đường bờ lô, 400 cây ổi lê và hàng trăm cây vú sữa. Bước đi dưới rặng dừa xanh mát cảm giác như lạc vào miệt vườn miền Tây.

Tiếng lành đồn xa, người dân trong và ngoài địa phương đến đây ngày càng đông. Nhiều người đến đây chỉ để tham quan, trải nghiệm khung cảnh miệt vườn mát rượi giữa mùa khô Tây Nguyên rực nắng. Trải chiếu dưới đường dừa hóng gió, bắt cá nướng, ăn ổi sạch, uống nước dừa ngọt lịm. 

Vì lẽ đó, Thành nghĩ ngay đến việc làm du lịch miệt vườn. Năm 2020, Thành đầu tư xây 3 nhà chòi từ nguyên liệu gỗ và lá dừa nước. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán miệt vườn của anh đã đón hàng trăm lượt khách.

"Hiện tại, mình không tính vé tham quan, vì chưa thực sự khai thác du lịch, nhưng trong tương lai mình sẽ kết hợp trang trại nông nghiệp hữu cơ để làm du lịch miệt vườn. Sắp tới, mình sẽ trồng 5 sào hoa ngay đường vào trang trại và quy hoạch để làm du lịch bài bản hơn. Năm 2020, tổng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của mình đạt khoảng 700 triệu đồng", anh Thành cho biết. 

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Thành cho biết: với phương châm “thành công là cuộc hành trình, chứ không phải là một điểm đến”, mình “lấy ngắn nuôi dài”, chú trọng tạo ra tài sản chứ không tiêu sản. Trước mắt, mình không sắm sửa gì nhiều, chủ yếu đầu tư, mở rộng quy mô trang trại. 

Theo Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Cư M’Gar Nguyễn Minh Quý, anh Thành là một người trẻ năng động, chịu khó, nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ. Các cấp Đoàn Thanh niên trong tỉnh đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của Thành trên các kênh thông tin truyền thông để thanh niên nói riêng, người dân nói chung học hỏi kinh nghiệm và nỗ lực vươn lên.

Tin cùng chuyên mục
Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Trong 2 ngày 19 và 20/12, Phòng Dân tộc thị xã Ayun Pa (UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS năm 2024.