Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cơ hội để kinh doanh tín chỉ carbon rừng

Minh Thu - 14:34, 25/05/2024

Năm 2023 đánh dấu một mốc rất quan trọng. Lần đầu tiên ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) theo hướng bền vững. Không chỉ là bài toán kinh tế, tín chỉ carbon rừng còn góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) bền vững.

Phút nghỉ ngơi của người dân địa phương và lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tuấn Anh).
Phút nghỉ ngơi của người dân địa phương và lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tuấn Anh).

Niềm vui từ những chủ rừng

Theo chia sẻ của ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đơn vị hiện đang quản lý, bảo vệ trên 52.000ha rừng. Năm 2023, đơn vị được chi trả 8,2 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon rừng.

"Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời, Việt Nam đã nhận đủ 51,5 triệu USD. Hiện đã phân bổ 80% số tiền trên cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia và sau 1 - 2 tháng nữa sẽ phân bổ hết số tiền cho địa phương".

Ông Trần Quang BảoCục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT

“Với số tiền này, sắp tới chúng tôi sẽ dựa vào hướng dẫn của cấp trên để lập kế hoạch chi tiêu phù hợp. Trong đó, 10% nguồn kinh phí sẽ chi cho hoạt động quản lý, BVR. Số còn lại sẽ hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tham gia BVR và xây dựng các mô hình sinh kế. Từ đó, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của công tác quản lý, BVR”, ông Đỗ Minh Cừ cho biết.

Xác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon rừng, Quảng Bình đã sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham gia dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ (REDD+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải KNK thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng).

Giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Bình sẽ nhận được 235 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD); qua đó mang lại nguồn thu cho gần 11.000 chủ rừng, góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) theo hướng bền vững.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình đã thực hiện chi trả kinh phí cho các đối tượng hưởng lợi số tiền 68 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Số kinh phí còn lại sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả theo quy định. Hiện các chủ rừng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và UBND cấp xã được giao quản lý rừng đã nhận được số tiền này (bình quân hơn 170 nghìn đồng/ha)

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tuần tra, BVR rừng.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tuần tra, BVR rừng.

Giống như Quảng Bình, Quảng Trị là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP năm 2022 của Chính phủ. Trung bình mỗi 1ha rừng tự nhiên sẽ được chi trả khoảng 120.000 đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon. Giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Trị có hơn 126.000ha rừng tự nhiên, trong đó trên 20.000ha do các tổ bảo vệ rừng cộng đồng nhận khoán bảo vệ.

Cuối năm 2023, tỉnh thu về trên 51 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon. Người hưởng số tiền này là bà con ở các tổ bảo vệ rừng tại các thôn bản và các chủ rừng…

“Bán tín chỉ carbon, tiền tươi thóc thật đã về. Bà con nhận được tiền ai cũng phấn khởi. Có thêm tiền này chắc chắn người dân sẽ giữ rừng tốt hơn”, anh Hồ Văn Kiên - Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hoá vui vẻ cho biết

Cây gỗ trong rừng tự nhiên ở gần cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Hưng Thơ).
Cây gỗ trong rừng tự nhiên ở gần cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Hưng Thơ).

Tạo sinh kế, động lực cho người tham gia trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng…

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời, Việt Nam đã nhận đủ 51,5 triệu USD. Hiện đã phân bổ 80% số tiền trên cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia và sau 1 - 2 tháng nữa sẽ phân bổ hết số tiền cho địa phương.

Chia sẻ lợi ích từ nguồn tiền trên, ông Trần Quang Bảo cho hay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Quy định rõ là chỉ sử dụng 0,5% để điều phối thỏa thuận chung và 3% để thực hiện hoạt động đo đếm, kiểm soát, giám sát, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật… Còn lại 96,5% được phân bổ cho các địa phương. Trên cơ sở diện tích rừng nhận khoán, địa phương sẽ tiếp tục phân bổ số tiền trên đến người dân, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích và đang tổ chức tập huấn để phân bổ cho các địa phương được hưởng lợi từ nguồn thu này. Đối tượng được hưởng lợi chính là các cộng đồng, đồng bào DTTS, người dân giữ rừng.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, định hướng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đem lại nguồn thu nhập lớn cho người làm lâm nghiệp yêu rừng, quý rừng hơn, ứng xử với rừng tốt hơn. Đặc biệt, điều tiết phát thải khí nhà kính, tạo sinh kế và động lực cho người tham gia trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng…

Với lợi thế và tiềm năng to lớn, việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam đã được WB đánh giá rất cao. Chính phủ chỉ đạo đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ NN&PTNT. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.