Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cô giáo Đặng Thị Hường với hoạt động bảo tồn văn hóa

Hồng Minh - 11:37, 24/11/2020

“Là giáo viên dạy học ở các trường có nhiều học sinh DTTS, kiến thức chuyên môn là điều kiện cần, nhưng cũng cần phải am hiểu về văn hóa dân tộc để học sinh tin tưởng, nghe theo thầy, cô và theo đuổi ước mơ”, Tiến sĩ Đặng Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.

 Cô giáo Đặng Thị Hường (thứ 3 bên trái qua) cùng các em học sinh.
Cô giáo Đặng Thị Hường (thứ 3 bên trái qua) cùng các em học sinh.

Tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), năm 1988, cô cử nhân người Cao Lan được nhận về công tác tại Trường THPT Xuân Huy, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Trong thời gian giảng dạy tại trường, cô Hường luôn có suy nghĩ: “Nhiều đồng nghiệp, người quen có trình độ học vấn cao, tại sao mình không làm được?”. Trăn trở đó giúp cô giáo Hường quyết tâm chinh phục sự nghiệp học tập của mình khi tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ.

Năm 1998, cô Hường chuyển về giảng dạy ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang, rồi được bổ nhiệm là Hiệu phó nhà trường. Cô Hường chia sẻ: Với đặc thù là trường dân tộc nội trú, học sinh trong trường thuộc nhiều dân tộc khác nhau, vì thế sự khác biệt về văn hóa, tâm lý là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy, cô cùng với tập thể thầy, cô giáo luôn tạo sự gần gũi cho các em trong học tập cũng như sinh hoạt đời thường để các em tự tin, chia sẻ khó khăn, vướng mắc, từ đó thầy, cô giáo có giải pháp để hỗ trợ, giúp các em vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Tham gia quản lý nên công việc của cô Hường rất bận rộn, nhưng cô vẫn sắp xếp thời gian khoa học, để hằng tuần có thể tham gia giảng dạy 7 tiết theo quy định. Khi giảng dạy, ngoài truyền đạt kiến thức, cô Hường rất chú ý lồng ghép giới thiệu cho học sinh về những giá trị văn học dân gian của các DTTS, nhằm nhân lên niềm tự hào dân tộc trong học sinh.

“Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang có nhiều học sinh dân tộc Cao Lan, tuy không phải em nào cũng nói được tiếng Cao Lan, nhưng mình cũng mừng vì hầu hết các em đều giữ được phong tục, nét văn hóa riêng của dân tộc mình”, cô Hường cho biết.

Năm 2015, cô Hường bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Văn học với đề tài “Thơ ca dân gian Cao Lan từ góc nhìn văn hóa”. Ở tuổi 49, cô Đặng Thị Hường trở thành nữ tiến sĩ dân tộc Cao Lan đầu tiên của ngành Giáo dục Tuyên Quang. Công trình nghiên cứu của cô Hường đã trở thành nguồn tài liệu quý cho học sinh tìm đọc. Năm 2017, cô giáo Đặng Thị Hường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Với mong muốn bảo tồn văn hóa dân tộc tại chính nhà trường, cô Hường đang ấp ủ kế hoạch đưa làn điện dân ca Cao Lan vào Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật của trường để dạy học sinh lời ca, tiếng hát của người Cao Lan. Hiện nay, cô giáo Đặng Thị Hường đang có nhiều tài liệu sưu tầm về văn hóa dân gian Cao Lan. Cô lên kế hoạch sau vài năm nữa, khi nghỉ hưu sẽ tổng hợp in thành sách.

Được biết, cô giáo Đặng Thị Hường là một trong những đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.