Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cô gái Tày với nỗ lực kết nối “nhịp cầu tri thức”

PV - 16:48, 04/04/2019

Nhiều người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc đã và đang khẳng định vị trí, bản lĩnh, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chính họ đã truyền lửa ước mơ, cơ hội du học, nghề nghiệp cho học sinh Việt Nam và nỗ lực gìn giữ, đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế giới… Chị Hà Thị Thanh Vân, dân tộc Tày, quê ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là một người như thế.

Chị Hà Thị Thanh Vân lựa chọn sách trong thư viện tại Hàn Quốc Chị Hà Thị Thanh Vân lựa chọn sách trong thư viện tại Hàn Quốc.

Sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông Vùng cao (PTVC) Việt Bắc, chị Hà Thị Thanh Vân theo học tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, khoa Tiếng Anh. Ra trường, chị giảng dạy môn tiếng Anh tại một Trường THPT ở Thái Nguyên. 3 năm trước đây, tình cờ qua một người bạn giới thiệu về việc du học Hàn Quốc, chị Vân quyết định sang Hàn Quốc để tiếp tục học lên Thạc sĩ.

Trong thời gian sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc, chị Hà Thị Thanh Vân có cơ hội cộng tác với Trường Đại học Khoa học Kyoungbuk- một trường nằm trong tốp đầu về đào tạo nghề của Hàn Quốc. Đây cũng là một trong số trường đại học ngày càng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các trường học ở Việt Nam.

“Tôi nhận thấy, hiện nay, các em học sinh Việt Nam học đại học ồ ạt, không có định hướng nghề nghiệp, ra trường rất nhiều em thất nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều em đi làm công nhân, lao động phổ thông tại các khu công nghiệp, lương thấp, làm việc vất vả, bấp bênh, không ổn định. Đặc biệt, các em học sinh DTTS rất khó khăn trong việc lựa chọn cho mình một nghề nghiệp trong tương lai. Nếu các em được theo học chương trình hợp tác đào tạo với trường Đại học Khoa học Kyoungbuk thì sau đó có thể trở về Việt Nam xin việc, hoặc tự làm ăn, kinh doanh. Đây là cơ hội nghề nghiệp rất tốt đối với các em học sinh DTTS, trong đó có các em học sinh Trường PTVC Việt Bắc-mái trường tôi từng theo học, nên tôi kết nối, giới thiệu để hai trường hợp tác..”, chị Hà Vân bộc bạch.

Theo Chương trình liên kết, phối hợp hợp tác giữa 2 trường, học sinh của Trường PTVC Việt Bắc (Việt Nam) sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ sang Trường Đại học Khoa học Kyoungbuk (Hàn Quốc) để học tập. Chị Vân cũng chính là người được nhà trường ủy quyền trong việc hỗ trợ làm hồ sơ cho các em tại Việt Nam và quản lý học sinh Việt Nam tại trường. Ngày 16/3/2019, 14 học sinh đầu tiên của Trường PTVC Việt Bắc đã sang học tập tại Hàn Quốc.

Hà Thị Thanh Vân Cô giáo Hà Thị Thanh Vân và các em học sinh Trường PTVC Việt Bắc tại Hàn Quốc.

Các em học sinh sang Hàn Quốc học tập được nhà trường quan tâm, hỗ trợ học bổng 30% trong suốt quá trình học. Trường có chỗ ăn, ở cho học sinh Việt Nam. Đồ dùng sinh hoạt của các em đều được nhà trường trang bị đầy đủ. Chị Vân cho biết, công việc bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian lên lớp buổi tối để dạy thêm tiếng Hàn Quốc, văn hóa Hàn Quốc và chỉ bảo cho các em về lối sống, phong tục tập quán của đất nước Hàn Quốc để các em nhanh chóng hòa nhập. Chị cũng dành thời gian quan tâm nấu ăn, giúp đỡ các em để có được điều kiện học tập tốt nhất.

Chị Vân chia sẻ rằng, tại Hàn Quốc có rất đông du học sinh nhưng số học sinh DTTS không nhiều. Tuy vậy, các em học sinh DTTS luôn có tinh thần dân tộc rất cao. Là người dân tộc Tày, bản thân chị Hà Vân luôn tự hào giới thiệu văn hóa Tày với bạn bè quốc tế. Từ phong tục tập quán, lễ hội, âm nhạc, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực... của đồng bào dân tộc Tày được bạn bè quốc tế rất yêu thích, ngợi ca.

Điều mà chị Vân mong muốn là khi kết nối, đưa học sinh Trường PTVC Việt Bắc sang Hàn Quốc học tập, ngoài mong muốn các em có cơ hội nghề nghiệp, chị Vân còn mong muốn rằng, từ bản thân mỗi em học sinh Trường PTVC Việt Bắc, văn hóa của đồng bào DTTS sẽ được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn.

THANH HUYỀN