Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cô đỡ thôn, bản cần hỗ trợ những gì?

PV - 11:04, 23/03/2023

Cô đỡ thôn, bản được xem như cánh tay nối dài của ngành y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với đội ngũ này hơn 30 năm qua vẫn chỉ mang tính động viên, khuyến khích, cho nên rất cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ tốt hơn để họ yên tâm, phát huy hết năng lực…


Cô đỡ thôn, bản Thào Thị Dễ (ngoài cùng bên trái) ở bản Tiên Lô, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông tư vấn cho phụ nữ mang thai
Cô đỡ thôn, bản Thào Thị Dễ (ngoài cùng bên trái) ở bản Tiên Lô, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông tư vấn cho phụ nữ mang thai

Theo Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) Đinh Anh Tuấn, cách đây 30 năm, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa rất cao; nguyên nhân chính là do tập quán, thói quen không đi khám thai, chỉ đẻ tại nhà, không có cán bộ y tế hỗ trợ.

Từ năm 1990, có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo đã góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tuy nhiên, số lượng cô đỡ thôn, bản cứ giảm dần, chỉ còn 1.549 cô đỡ thôn, bản đang hoạt động tại 28 tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Nhờ có cô đỡ thôn, bản, kiến thức và thực hành chăm sóc sức khỏe của phụ nữ dân tộc đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ biết cách chăm sóc thai nghén, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai, sau sinh đã được cải thiện. Số lượng phụ nữ có thai chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, đi khám thai đủ ba lần, sinh đẻ tại trạm y tế, tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt… tại các cơ sở y tế tăng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, nhờ được sự chăm sóc, hỗ trợ của cô đỡ thôn, bản, nhiều ca tai biến được phát hiện sớm, kịp thời chuyển tuyến trên, tránh được tử vong mẹ và trẻ sơ sinh... Điểm mạnh của đội ngũ cô đỡ thôn, bản là có cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán và tín ngưỡng, lại ở ngay trong cộng đồng, cho nên dễ dàng tiếp cận các bà mẹ, trẻ em và cung cấp dịch vụ phù hợp, được đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, chấp nhận.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, nhiều địa phương không bố trí được kinh phí hỗ trợ đội ngũ này. Đến tháng 1/2023, số cô đỡ thôn, bản được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản. Đáng chú ý, có đến 638 cô đỡ chưa được hưởng phụ cấp nhưng vẫn hoạt động, ngày đêm tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. 60% số cô đỡ thôn, bản không có đủ trang, thiết bị, vật tư y tế (gói đỡ đẻ sạch) để hoạt động. Từ đó, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng.

Trước đây, theo quy định của Quyết định 75/2009/QĐ-TTg, cô đỡ thôn, bản được hưởng mức phụ cấp 0,3 hoặc 0,5 mức lương cơ sở tùy theo địa bàn hoạt động ở khu vực II hay khu vực III. Từ khi có Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương đã dừng chi trả phụ cấp cho y tế thôn, bản nói chung và cô đỡ thôn, bản nói riêng.

Kinh phí để duy trì hoạt động đội ngũ này chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương, trong khi, hầu hết địa phương có cô đỡ thôn, bản hoạt động đều là những tỉnh miền núi, chưa đủ khả năng tự cân đối ngân sách.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, tính đến ngày 10/3/2023, cả nước có 5.111 thôn, bản có khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cần bố trí cô đỡ thôn, bản. Đặc biệt, tại các tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Gia Lai vẫn còn nhiều thôn, bản có tỷ lệ đẻ tại nhà rất cao (trên 60%) và cũng không có cô đỡ thôn, bản.

Theo số liệu điều tra thống kê thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, còn khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất; còn 13,6% phụ nữ dân tộc thiểu số không sinh con tại cơ sở y tế…; một số dân tộc như Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37% và 36,5%... và tỷ suất chết ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ khá.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng chung sức với Bộ Y tế trong việc duy trì, phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản. Theo đó, đề nghị các bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Đặc biệt, cần thực thi một cách hiệu quả, sáng tạo và phù hợp các chính sách với từng địa phương cụ thể. Các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần xác định vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng và đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn, bản; tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bản, làng, cộng đồng... nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện vật chất và tinh thần động viên, phát huy vai trò của cô đỡ thôn, bản.

Đánh giá cao vai trò của cô đỡ thôn, bản trong việc tuyên truyền, vận động, tư vấn, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em; giúp các thai phụ tiếp cận các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản, thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn, bản.