Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyện xây dựng nông thôn mới ở Bản Pàu

Trọng Bảo - 18:18, 19/11/2020

Bản Pàu là một trong những thôn khó khăn của xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn (Lào Cai). Tuy nhiên, nơi đây lại là điểm sáng của xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Tuyến đường bê tông ngõ xóm với chiều dài 1,2km được người dân Bản Pàu thi công chưa đến 2 tháng
Tuyến đường bê tông ngõ xóm với chiều dài 1,2km được người dân Bản Pàu thi công chưa đến 2 tháng

Bí thư chi bộ Bản Pàu Hoàng Quang Tuyến cho biết, từ năm 2015, Bản Pàu đã hoàn thành các tuyến đường trục thôn, đáp ứng đủ tiêu chí nông thôn mới. Tuy vậy, các xóm dân cư mới hình thành trong những năm qua, khi dãn dân kéo theo nhiều tuyến đường mới mở chưa được đổ bê tông, trời mưa lầy lội, trơn trượt, khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Bí thư chi bộ và trưởng thôn đã đề nghị với chính quyền xin được bố trí thêm nguồn vốn xây dựng NTM để hoàn thành 1,2 km đường ngõ xóm.

Khi có kinh phí, 114 hộ dân trong thôn đã thống nhất, mỗi hộ đóng góp một lao động, sau đó chia tổ phụ trách từng đọan đường, tổ trưởng là các đảng viên. Các tổ đều thi đua vượt tiến độ yêu cầu, tổ thi công nhanh thì mất 4 ngày hoàn thành, tổ chậm hơn mất thêm 1 ngày. Nhờ đó, với quy mô tuyến đường tương tự ở các thôn khác nếu người dân thi công sẽ mất gần 3 tháng, thì người dân Bản Pàu chỉ mất 55 ngày.

“Không chỉ hoàn thành với thời gian nhanh kỷ lục, tuyến đường này còn được thi công với chi phí khá thấp nhờ huy động sức dân. Khoản định mức hỗ trợ của Nhà nước được sử dụng để mua máy trộn bê tông, dầu máy và dụng cụ phục vụ thi công. Sau khi hoàn thành tuyến đường, chúng tôi vẫn dư một ít kinh phí sử dụng làm nhà văn hóa thôn, máy trộn bê tông sau này trở thành tài sản của thôn, khi hộ nào có việc có thể mượn về dùng”, Bí thư Tuyến cho biết thêm.

Theo cơ chế hỗ trợ chung của tỉnh Lào Cai, mỗi nhà văn hóa thôn được hỗ trợ 70 triệu đồng, mức hỗ trợ này là tương đối phù hợp với những thôn có sẵn địa điểm, không mất kinh phí giải phóng mặt bằng. Để sử dụng tối đa khoản hỗ trợ này cho phần xây dựng, nhiều thôn đã lựa chọn quỹ đất còn trống của thôn hoặc bãi ruộng bỏ hoang. Tuy nhiên, có một điểm chung là những địa điểm ấy nằm xa trung tâm thôn, không tiện cho việc sinh hoạt của bà con.

Vậy nên, muốn tìm được được mảnh đất ở trung tâm thôn để làm nhà văn hóa, chỉ có cách vận động người dân hiến đất, nhưng cũng thật khó bởi dù là nông thôn nhưng đất ở Bản Pàu cũng có giá. Vậy mà, khi vấn đề này được đưa ra tại cuộc họp thôn Bản Pàu, đảng viên 30 năm tuổi đảng Lương Văn Lốt đã đồng ý, hiến tặng diện tích ao của gia đình để thôn san lấp lấy mặt bằng làm nhà văn hóa. Sau khi san lấp, 40 thợ xây lành nghề nhất của thôn đã tình nguyện tham gia vào tổ xây dựng do Trưởng thôn làm tổ trưởng; chị em phụ nữ và những thanh niên không tham gia xây dựng thì vận chuyển vật liệu …

Đến nay, nhà văn hóa thôn Bản Pàu đã được xây dựng khang trang, rộng gần 120m2, khuôn viên rộng rãi, nằm ở trung tâm thôn, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng và nơi vui chơi của lũ trẻ vào mỗi buổi chiều đi học về…

Nhiều năm qua, Bản Pàu là thôn điển hình của xã trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. “Bây giờ đi một vòng quanh thôn, nhiều khu vườn, góc sân của người dân không còn rộng rãi vuông vắn, bởi nhiều hộ đã nhường đất cho những con đường bê tông mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Bà con ai cũng hiểu có đường mới không chỉ giúp đi lại thuận tiện, mà sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đây cũng là minh chứng cho tinh thần đồng sức, đồng lòng vì việc chung của Nhân dân nơi đây...”, Bí thư Đảng ủy xã La Xuân Thắm cho biết.