Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyện ông Thảo

Song Anh - 10:46, 09/11/2020

Về huyện Tam Bình (Vĩnh Long) hôm nay, chúng tôi được nghe rất nhiều người kể về ông Trần Văn Thảo, 64 tuổi, người đã có trên 22 năm làm Trưởng ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ; gần 20 năm là đại biểu HĐND xã; trên 16 năm là Bí thư Chi bộ ấp. Đây là kỷ lục chưa ai phá vỡ ở huyện Tam Bình.

Ông Thảo thăm mô hình nuôi ếch của một hộ dân.
Ông Thảo thăm mô hình nuôi ếch của một hộ dân.

Quyết tâm thì ổn thôi

Đây là câu nói rất kiên quyết của ông Thảo khi trao đổi với chúng tôi. Ông Thảo kể, ông đã phải tự đi học chữ Khmer để có thể trao đổi với người dân trong ấp bằng tiếng của đồng bào. Nhờ thông thạo tiếng Khmer, ông có thể dịch nhiều tư liệu tiếng Khmer sang tiếng Việt để hiểu thêm về phong tục, tập quán, nghi lễ, quan điểm sống… của đồng bào để cảm thông, chia sẻ, động viên và có thái độ ứng xử phù hợp nhất.

Bà Kim Huông, ngụ ấp Sóc Rừng nói vui: “Ấp này ai cũng quý mến tin tưởng Trưởng ấp Thảo, có gì khó khăn cứ tới tìm là ông giúp đỡ ngay. Ông là người Kinh nhưng rành tiếng Khmer lắm, bà con đặt cho ông cái tên “Thạch Thảo”. Thạch là một trong những họ phổ biến nhất của người Khmer chúng tôi”.

Cùng có những ấn tượng cao đẹp về ông Trần Văn Thảo, ông Thạch Bích kể: “Tôi có 2 đứa con ăn nhậu quậy phá suốt ngày, biết chuyện Trưởng ấp Thảo tới nhà khuyên bảo và còn giới thiệu việc làm cho chúng ở Vĩnh Long. Giờ thì chúng sống tốt lắm, mỗi tháng đều gởi tiền về phụ giúp cha mẹ. Gia đình tôi mừng lắm”.

Hướng dẫn chúng tôi thăm quan địa bàn do mình quản lý, ông Thảo kể lại: Ấp này từng là địa phương nghèo nhất huyện, nhất tỉnh bởi có trên 80% hộ dân là người dân tộc Khmer không có đất sản xuất. Tệ nạn uống rượu say sưa, cờ bạc, mê tín dị đoan thường xuyên xảy ra.

Thêm vào đó là tập quán canh tác lạc hậu, nên cái nghèo cứ đeo bám đời sống người dân, tỷ lệ hộ nghèo luôn đạt trên 40%. Đi đâu cũng bắt gặp những con đường đất nhỏ hẹp, bùn lầy trơn trợt, xe 2 bánh không thể lưu thông trong mùa mưa. Cùng với đó là những cây cầu tạm bợ. Cả ấp đâu cũng bắt gặp những căn nhà lá tạm bợ. Chuyện trẻ em bỏ học xảy ra như cơm bữa.

Người làm chuyển biến Sóc Rừng

Về Sóc Rừng bây giờ không thể tìm được bất kỳ một cây cầu tạm bợ như trước, thay vào đó là những cây cầu xi măng kiên cố, những con đường bê tông để người và phương tiện đi lại dễ dàng quanh năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 40% nay còn dưới 9%; trên 97% hộ dân có điện lưới quốc gia; trên 95% có nước sạch sinh hoạt; 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Điều đáng mừng là hầu hết thanh niên trong độ tuổi lao động đều có việc làm ổn định. Những hộ chí thú làm ăn đều được hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Hầu hết các tệ nạn cờ bạc, số đề, đá gà, rượu chè say sưa càn quấy hầu như đã chấm dứt. Người dân Sóc Rừng còn chung tay bảo vệ tốt an ninh trật tự tại địa phương, nỗ lực góp phần xây dựng xã Loan Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động, sáng, xanh, sạch, ấm no, hạnh phúc trên vùng đất từng được mệnh danh là nghèo nhất tỉnh Vĩnh Long.

Với nhiều thành tích xuất sắc, ông Thảo đã được tập thể Chi bộ bầu giữ chức vụ Bí thư Chị bộ ấp, Nhân dân ấp Sóc Rừng bầu làm Trưởng ấp trong một thời gian dài. Bản thân ông đã được tặng rất nhiều bằng khen của các cấp, trong đó có Bằng khen của Tỉnh ủy Vĩnh Long, là “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền 2014 - 2018”.

Ấp này ai cũng quý mến tin tưởng Trưởng ấp Thảo, có gì khó khăn cứ tới tìm là ông giúp đỡ ngay. Ông là người Kinh nhưng rành tiếng Khmer lắm, bà con đặt cho ông cái tên “Thạch Thảo”. Thạch là một trong những họ phổ biến nhất của người dân tộc chúng tôi”.

Bà Kim Huông, ngụ ấp Sóc Rừng