Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyện những cô gái rà phá bom mìn

PV - 08:51, 02/05/2019

Trong một lần công tác đến huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tôi được nghe nói rất nhiều về những cô giái trẻ đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở thôn Linh Chiểu. Vì sự tò mò này nên chúng tôi đã quyết tâm gặp họ bằng được.

Nỗi niềm của những cô gái trẻ

Gặp Nguyễn Thu Trang 23 tuổi, có lẽ là người phụ nữ trẻ nhất của đội. Một ngày của người mẹ trẻ được bắt đầu từ 4h30. Trang dậy sớm để vỗ về an ủi đứa con nhỏ khi chị phải đi làm một mạch đến tối. Sau đó, cô dọn dẹp nhà và chuẩn bị bữa trưa mang theo để ăn cùng đồng nghiệp. Trang bảo, nhiều hôm đi làm sâu vào rừng, nếu không mang cơm theo, sẽ không có gì để ăn.

Trang và những đồng nghiệp của mình làm việc không kể thời tiết. Dù trời nắng gay gắt trên nền cát rát bỏng hay mưa xối xả, bùn ngập chân, cô và đồng nghiệp vẫn lặng lẽ rà bom, mìn trên từng tấc đất quê hương.

Chị Vân thu thập thông tin từ người dân vị trí khả nghi có bom sót lại. Chị Vân thu thập thông tin từ người dân vị trí khả nghi có bom sót lại.

Thu Trang kể rằng: Cô lớn lên trong thời bình thế nhưng bản thân cô đã chứng kiến nhiều nỗi đau của người dân vì bom mìn thời chiến tranh sót lại. Có lần chứng kiến những em thơ đi chăn trâu vướng phải bom bi sót lại phải vĩnh viễn ra đi cô xót xa lắm. Vì thế khi dự án rà phá bom mìn do Tổ chức dự án Renew-NPA tài trợ cô đăng ký tham gia ngay. Vẫn biết công việc này là vất vả thường phù hợp với những người đàn ông thế nhưng cô vẫn quyết tâm xin vào bằng được. Thu Trang tâm sự: Công việc vất vả nhưng cũng mang lại nhiều niềm vui, nhất là khi đồng đội phát hiện được quả bom hay đầu đạn sót lại và được phá hủy. Không đơn thuần là việc phá nổ quả bom mà đây là việc làm giảm thiểu được nỗi đau của nhiều người nên cô cảm thấy hạnh phúc…

Yêu và muốn cống hiến cho công việc đặc biệt này bởi nó mang nhiều ý nghĩa cũng là lời chia sẻ của nhiều nữ đồng nghiệp của Trang. Họ tâm niệm rằng, nếu những người gắn bó nhiều năm với công việc như họ nản chí, không làm thì liệu ai sẽ là người giúp tẩy sạch phế liệu chiến tranh khỏi mảnh đất này.

Chị Nguyễn Hồng Khánh (27 tuổi), đội khảo sát kỹ thuật tâm sự, chị làm công việc này để cống hiến cho đất nước và người dân. Việc rà phá phế liệu chiến tranh sẽ giúp người dân được an toàn và không còn lo sợ.

Hằng ngày, những nữ nhân viên của dự án Renew-NPA như Khánh, Trang, Vân, Ngọc Anh cùng nhiều đồng nghiệp vẫn rong ruổi khắp nơi trên quê hương Quảng Trị để góp phần xử lý phế liệu chiến tranh. Khánh bày tỏ, chị xác định rằng, điều quan trọng nằm ở việc bản thân có cố gắng hay không khi đối diện với những khó khăn, khắc nghiệt từ công việc, thiên nhiên...“Tôi sinh ra ở mảnh đất Quảng Trị đầy nắng, gió nên đã quá quen với sự khắc nghiệt của nó. Vì vậy, tôi không hề cảm thấy công việc này khó khăn hay vất vả, những điều đó đã trở thành thói quen rồi”.

Điều tâm niệm của những cô gái làm nhiệm vụ rà phá bom mìn là mong muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người dân và dù có phải hy sinh bản thân để ngày nào đó trên mảnh đất Quảng Trị không còn những cảnh xót xa do bom mìn sót lại gây ra…

Niềm vui cho đi, hạnh phúc ở lại

Ở tuổi 25, Ngọc Anh đã có 2 năm tham gia đội rà phá bom, mìn. Là y sĩ đa khoa, cô chuyên hỗ trợ y tế và kiêm trách nhiệm rải dây điện hỏa để đội trưởng kích nổ khi phát hiện vật liệu nổ. Nữ y sĩ chia sẻ: Khi còn bé, thấy những nhân viên của các đội rà phá bom, mìn làm nhiệm vụ ở nơi gia đình mình sinh sống, chị đã mong muốn được làm công việc giống họ. Mà điều may mắn với cô là sau khi tốt nghiệp trường y cô được nhận vào giúp về lĩnh vực y tế cho các anh, các chị trong đội rà phá bom, mìn của tỉnh. Công việc tuy có vất vả phải dầm mưa dãi nắng nhưng cảm thấy vui vì việc làm của mình góp một phần mang lại hạnh phúc cho nhiều người.

Cũng như Ngọc Anh, cô gái cùng 25 tuổi Nguyễn Thị Thu Vân được xem là người “lì” và năng nổ trong công việc rà phá bom mìn. Khác với vẻ nữ tính, e dè của Ngọc Anh, Vân có vẻ ngoài rắn rỏi, tự tin. Cứ mỗi lần đơn vị di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác để thực hiện công việc theo yêu cầu Nguyễn Thị Thu Vân đã đi vào từng nhà dân để hỏi về những nơi họ biết hay nghi có bom, mìn. Những ghi chép của cô sẽ giúp xác định vị trí của vật liệu nổ để lập phương án xử lý.

Theo Vân, cô đỡ vất vả và nguy hiểm hơn những nhân viên làm nhiệm vụ rà vật liệu nổ-công việc tiếp xúc thường xuyên với phế liệu chiến tranh.“Nhân viên rà vật liệu nổ phải đối diện với nguy hiểm thường trực. Họ trực tiếp đưa xẻng xuống đất, tiếp xúc với bom, mìn. Chỉ không may chạm vào là tai nạn xảy ra”, Vân nói.

Vân giãi bày sự ra đi của người Đội trưởng Đội Khảo sát Kỹ thuật Ngô Thiện Khiết khi đang làm nhiệm vụ cách đây hơn một năm luôn khiến chị và những đồng nghiệp ám ảnh. Kinh nghiệm lâu năm hay sự cẩn trọng đã không cứu được người Đội trưởng kỳ cựu. Ranh giới giữa sống và chết chỉ cách nhau trong gang tấc, dựa vào may rủi.

Không chỉ có Vân mà còn rất nhiều người khác họ đang làm việc thầm lặng ngày đêm, đến từng thôn xóm, bản làng, tỉ mỉ trong công việc, bới từng tấc đất để làm sạch những nguy hiểm còn lẫn lộn đâu đó. Họ luôn nghĩ rằng sự hy sinh vất vả của mình sẽ đem lại niềm vui cho nhiều người là hạnh phúc là vinh dự. Xã hội và Nhân dân luôn trân trọng và tôn vinh những việc làm của các chị, rồi một ngày không xa mảnh đất Quảng Trị sẽ sạch những tiếng bom sót lại thời chiến tranh để người dân luôn được sống trong an bình…

MINH THỨ - HOÀNG NHƯ