Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyến công du của Thủ tướng đạt nhiều kết quả ấn tượng, nâng cao hơn nữa hình ảnh, vị thế Việt Nam

PV - 18:06, 16/12/2022

Chuyến công tác của Thủ tướng tới nhiều quốc gia châu Âu, hướng tới nhiều mục tiêu trên nhiều lĩnh vực, nhiều bình diện cả song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, với chương trình làm việc dày đặc, nội dung làm việc phong phú, đã đạt nhiều kết quả ấn tượng và quan trọng, giúp nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng cán bộ Văn phòng Chính phủ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Nội Bài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng cán bộ Văn phòng Chính phủ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Nội Bài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều ngày 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU ngày 14/12/2022 theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ từ ngày 9 đến ngày 15/12/2022 theo lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với 3 nước châu Âu

Chuyến thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước ngày càng phát triển; Việt Nam và 3 nước sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Đây là chuyến thăm Luxembourg đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 20 năm và là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam với Hà Lan trong 3 năm qua.

Các nước đều là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu về thương mại, đầu tư; có nhiều thế mạnh phù hợp mục tiêu an ninh - phát triển của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, công nghệ cao… Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực; đã có các khuôn khổ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững, quyết tâm cùng Việt Nam đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ.

Ba nước tổ chức đón tiếp Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với nghi lễ trang trọng. Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội và Hoàng gia 3 nước, cho thấy các nước đánh giá cao chuyến thăm và coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Lãnh đạo cấp cao các nước đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước khẳng định mong muốn cùng Việt Nam đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại Công quốc Luxembourg sáng 9/12. Đây là chuyến thăm Luxembourg đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 20 năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại Công quốc Luxembourg sáng 9/12. Đây là chuyến thăm Luxembourg đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 20 năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các nước đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp của cả 3 nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Lãnh đạo các nước ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và bày tỏ mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVPIA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, chiến lược.

Chuyến thăm của Thủ tướng đã thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực 3 nước có thế mạnh nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh - phát triển của đất nước.

Với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập Đối tác chiến lược về tài chính xanh. Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình 3 bên (chính phủ, viện nghiên cứu, doanh nghiệp) như Trung tâm Đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.

Ngoài ra, chuyến thăm đã đẩy mạnh kết nối về logistics, thu hút đầu tư chất lượng cao của 3 nước vào hạ tầng chiến lược, tăng cường hợp tác chuyên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam với ba nước về quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Việt Nam và các nước nhất trí phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế như khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, ASEM, LHQ, nhất là khi Việt Nam và cả 3 nước Luxembourg, Bỉ, Hà Lan đều là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ để đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Về Biển Đông, lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; ủng hộ tiến trình đàm phán COC thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.

Các nước cam kết ủng hộ Việt Nam về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, giúp gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và 3 nước trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh - phát triển của Việt Nam và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng thăm Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), thành phố Eindhoven, Hà Lan. Nơi đây được coi là "thung lũng Silicon" của châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thăm Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), thành phố Eindhoven, Hà Lan. Nơi đây được coi là "thung lũng Silicon" của châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sự tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU

Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU có ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ASEAN gặp gỡ với đầy đủ lãnh đạo các nước thành viên EU, cho thấy hai bên đều hết sức coi trọng, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác này; là cơ hội tốt để các lãnh đạo hai bên đề ra những định hướng quan trọng nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ ASEAN-EU thời gian tới. Kết quả nổi bật là Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU, cả trong quá trình chuẩn bị tổ chức, tham gia thảo luận tại Hội nghị cũng như xây dựng văn kiện.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu đề cao ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Cấp cao và chia sẻ về một số định hướng.

Theo đó, hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược, hợp tác cân bằng, bình đẳng, hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời đề nghị EU khẩn trương gỡ bỏ "thẻ vàng" với thuỷ sản Việt Nam và sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU.

Hội kiến Chủ tịch Hạ viện Bỉ Eliane Tillieux, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nghị viện Bỉ sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội kiến Chủ tịch Hạ viện Bỉ Eliane Tillieux, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nghị viện Bỉ sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Nhóm G7, mong muốn EU chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mekong.

Trước những biến chuyển của tình hình, Thủ tướng đề nghị ASEAN và EU lấy hoà bình, ổn định là mục đích, coi đối thoại, hợp tác là công cụ trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Thủ tướng đề nghị ASEAN, EU và các nước cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các nước, các đối tác. Tại Hội nghị Cấp cao và trong các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng, các nhà lãnh đạo EU và lãnh đạo các nước châu Âu đều đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam. Việt Nam gia nhập ASEAN muộn hơn nhiều nước nhưng trong quan hệ với EU, Việt Nam lại tiến nhanh hơn các nước trong khu vực ở nhiều lĩnh vực.

Các cuộc tiếp xúc và trao đổi này đã thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc và thuận lợi cho giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển đất nước.

Dấu ấn thúc đẩy hợp tác kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo

Một trong những mục tiêu và điểm nhấn đặc biệt trong chuyến công tác của Thủ tướng là thúc đẩy hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hạ tầng chiến lược…

Thủ tướng đã có nhiều cuộc thăm, làm việc với các cơ sở kinh tế, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu của mỗi nước cũng như của châu Âu và thế giới, như Trung tâm Công nghệ cao IMEC (Interuniversity Microelectronics Center) của Bỉ, Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), Trung tâm Nhà vườn thế giới, mô hình cảng Rotterdam của Hà Lan, Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg - hiện đang niêm yết một nửa trái phiếu xanh trên thế giới…

Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại mỗi nước, Thủ tướng Chính phủ đã dự các diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với lãnh đạo đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn; đã có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết.

Thủ tướng bày tỏ Việt Nam mong muốn được tham khảo kinh nghiệm của các nước trong quá trình phát triển qua các giai đoạn: Từ nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa và hiện nay là đổi mới sáng tạo gắn với đô thị thông minh.

Nhiều ý tưởng, chương trình hợp tác đã được Thủ tướng thúc đẩy mạnh mẽ và sẽ được nghiên cứu, triển khai cụ thể sau chuyến thăm, như: Khả năng thành lập trung tâm phân phối hàng hóa, nông sản Việt Nam tại Bỉ để xâm nhập vào thị trường châu Âu; khả năng xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam đánh giá tiềm năng, xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Alexander De Croo chứng kiến lễ ký Ý định thư hợp tác giữa Bộ TN&MT và Bộ Biển Bắc của Vương quốc Bỉ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Alexander De Croo chứng kiến lễ ký Ý định thư hợp tác giữa Bộ TN&MT và Bộ Biển Bắc của Vương quốc Bỉ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại các cuộc tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ những yếu tố nền tảng quan trọng để các nước và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư với Việt Nam. Đó là quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước châu Âu, Việt Nam và EU, ASEAN-EU; đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore) có hiệp định thương mại tự do với EU và hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU đang được các nước thông qua.

Về phần mình, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân, có quan hệ đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước, đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, giữ chính sách tương đối ổn định, điều hành không giật cục, không chuyển trạng thái đột ngột để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh lâu dài, bền vững, bảo tồn vốn, có lãi và phát triển.

Mặt khác, theo Thủ tướng, thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát tăng cao…; song bên cạnh những thách thức, những thay đổi này cũng tạo ra nhiều cơ hội.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định thông điệp ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi người dân nên cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, không nước nào có thể đứng ngoài hay có thể tự mình giải quyết, kể cả các nước phát triển, trong khi Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn. Là quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, trên tinh thần con người là trung tâm, là chủ thể của quá trình phát triển; "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; kêu gọi cách tiếp cận bảo đảm công bằng, công lý trong ứng phó biến đổi khí hậu, theo đó, phải hỗ trợ các nước đang phát triển nhưng phải gánh vác trách nhiệm như các nước phát triển, cụ thể là hỗ trợ về tài chính với lãi suất ưu đãi, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị và xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Nhân dịp chuyến thăm, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện chủ trương, chính sách của mình về xây dựng nền kinh tế xanh, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp, các tổ chức và đối tác đều đánh giá cao, bày tỏ ấn tượng với quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam cũng như của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đối với các lĩnh vực nói trên, khẳng định sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam bằng các hoạt động, dự án, chương trình hợp tác cụ thể, thực chất và hiệu quả, cùng có lợi.

Có thể nói, chuyến công tác đã góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Âu từ chủ yếu là viện trợ, đối tác phát triển trước đây sang giai đoạn hợp tác hai bên cùng có lợi, từ giai đoạn các nước hỗ trợ Việt Nam xóa đói giảm nghèo, vượt qua khó khăn sang giai đoạn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Luxembourg - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Luxembourg - Ảnh: VGP

Sự quan tâm đặc biệt dành cho cộng đồng người Việt

Tại mỗi quốc gia đến thăm, trong chương trình làm việc rất bận rộn, Thủ tướng đều dành thời gian gặp gỡ kiều bào. Thủ tướng khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt, không thể tách rời của dân tộc. Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo cho nhân dân sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc, ở trong nước thế nào thì ở ngoài nước cũng vậy, mọi chính sách hướng tới người dân trong nước như thế nào thì cũng hướng tới kiều bào ở ngoài nước như thế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền con người, sự khác biệt của mỗi người trong lựa chọn công việc, nơi cư trú, ở lại sở tại hay trở về Việt Nam; dù ở đâu nhưng cũng hướng về đất nước, có trách nhiệm, đóng góp được cho đất nước đều là yêu nước.

Thủ tướng yêu cầu các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao "phải coi bà con như người nhà mình, giải quyết công việc cho bà con như công việc của nhà mình". Tại các cuộc gặp lãnh đạo các nước, Thủ tướng đều đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập thành công, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và hướng về quê hương, đất nước.

Thủ tướng mong muốn bà con đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng cộng đồng đoàn kết, phát triển, vững mạnh, ngày càng có vai trò, vị trí cao trong xã hội sở tại; tiếp tục làm cầu nối cho quan hệ hữu nghị với các nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về cội nguồn, phát huy thế mạnh của đội ngũ trí thức người Việt Nam tại các nước, đóng góp cho xây dựng và phát triển đất nước.

Với những kết quả đạt được mang tính toàn diện, chiến lược, lâu dài, nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, cấp bách, có thể khẳng định, chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công rất tốt đẹp về mọi mặt. Chuyến công tác góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế"; Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh về nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030"; Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về "Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030".

Đồng thời, sự tham gia của Việt Nam thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm trong ASEAN cũng như đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, thách thức khó lường như hiện nay. Chuyến công tác cũng góp phần tăng cường, củng cố quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và 3 nước.

Cùng với các hoạt động đối ngoại gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam tự tin phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chuyến công tác góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế và nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài về chủ trương, đường lối, chính sách và tương lai phát triển của Việt Nam, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đóng góp vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, xu thế mở cửa và phục hồi sau đại dịch, xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong khu vực và trên thế giới./.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.