Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

An Yên - 15:37, 18/10/2024

Những phòng học được nâng cấp, những ngôi trường được đầu tư khang trang… đã mang đến sắc thái mới cho sự nghiệp giáo dục ở bao bản làng của miền biên viễn xứ Nghệ. Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Nghệ An cơ bản xóa trường, lớp học xuống cấp, góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác UBDT cùng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông khảo sát công trình điểm Trường mầm non bản Co Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
Đoàn công tác UBDT cùng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông khảo sát công trình điểm Trường mầm non bản Co Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông

Xóa trường, lớp học xuống cấp

Cuối tháng 8/2024, chúng tôi có dịp theo chân đoàn công tác Ủy ban Dân tộc (UBDT) vào với bản làng người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông). Trong rất nhiều những công trình hạ tầng đã được đầu tư ở chốn thâm sơn này, thì những phòng học đã và đang hoàn thiện, trở nên nổi bật hơn trong màu xanh sẫm của núi rừng. Đó là công trình điểm Trường mầm non và tiểu học tại bản Co Phạt, xã Môn Sơn.

Có mấy đứa trẻ chừng 7- 8 tuổi người Đan Lai đang chơi gần đó, chúng tôi qua hỏi chuyện chúng trả lời bẽn lẽn, giọng lí nhí. Bí thư bản Co Phạt La Văn Linh đỡ lời: Chúng ngại với người lạ đấy, bọn trẻ đang trông mong vào năm học mới để được ngồi học trong những dãy phòng học sạch đẹp kia đấy, ngày nào cũng thấy có trẻ chạy đến đây chơi và xem các phòng học mới.

Cách nay chưa lâu, khi chúng tôi về huyện miền núi Quỳ Châu, cũng vui lây niềm vui của cô và trò nơi đây. Ở huyện Quỳ Châu, cũng có rất nhiều công trình giáo dục đang gấp rút hoàn thiện, phục vụ nhu cầu học tập của con em địa phương. Đó là Trường mầm non thị trấn Tân Lạc, quy hoạch ở vị trí mới với 3 dãy nhà cao tầng khang trang; đó là Trường mầm non Châu Tiến, Trường mầm non Châu Hội, Trường THCS bán trú huyện… 

Bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu chia sẻ: Nhiều phòng học cũ, nát, xuống cấp đã được sửa chữa, xây dựng mới. Điều này đã góp phần củng cố, nâng cao tiêu chí cơ sở vật chất trường lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Trường mầm non Châu Tiến huyện Quỳ Châu đang gấp rút hoàn thành
Trường mầm non Châu Tiến huyện Quỳ Châu đang gấp rút hoàn thành

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, Chương trình MTQG 1719, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị 19 trường Phổ thông Dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú; đang triển khai đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị 6 trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhiều trường học ở vùng miền núi ở bậc mầm non, tiểu học cũng đã được xây dựng và hoàn thiện. 

Theo Báo cáo của Ban Dân tộc Nghệ An, trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng 80 trường học. Đến giữa năm 2024, đã xây dựng được 70 trường; góp phần củng cố cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học của các nhà trường.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Những năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Nghệ An; đặc biệt là từ khi thực hiện Chương trình MTQG 1719 với những đầu tư cụ thể cho ngành giáo dục, đã góp phần làm thay đổi bức tranh về giáo dục ở khu vực vùng DTTS&MN, với những chuyển biến tích cực.

 Điều dễ dàng nhận thấy là, hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng mũi nhọn ngày càng nâng lên; các nội dung giáo dục đặc thù về văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hoạt động ngoài giờ lên lớp được tăng cường, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ có nhiều chuyển biến tích cực.

Điều rất đáng mừng, ở khu vực vùng DTTS&MN của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học đạt 86,98% (tăng 16,95% so với năm 2019), tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học đạt 71,76%. 

Nhà ở nội trú học sinh, nhà bếp ăn và các hạng mục phụ trợ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông cũng đã được khởi công
Nhà ở nội trú học sinh, nhà bếp ăn và các hạng mục phụ trợ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông cũng đã được khởi công

Chất lượng giáo dục miền núi được nâng lên, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và số học sinh khá giỏi tăng qua các năm học (trong 4 năm qua, có 57/206 học sinh người DTTS đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia được UBND tỉnh khen thưởng, vinh danh).

Các trường Phổ thông dân tộc nội trú đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho con em người DTTS. Với mục tiêu phát triển toàn diện, cả về đạo đức và trí tuệ, phẩm chất và năng lực, các trường nội trú đã luôn quan tâm ưu tiên chất lượng giáo dục đại trà, vừa đảm bảo chuẩn yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông vừa phân luồng và định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt là các trường Phổ thông Dân tộc nôi trú tỉnh, trong 5 năm qua, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%; tỉ lệ đỗ vào Đại học luôn đạt trên 90%.

Công tác phổ cập giáo dục thường xuyên được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến thời điểm hiện nay 100% số huyện, thị xã vùng DTTS&MN được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; 100% số huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tểu học mức độ 3; có 6 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức 2 và 5 huyện, thị xã (Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.