Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chung tay hành động vì bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em DTTS: Những tấm gương phụ nữ tiên phong xóa bỏ hủ tục (Bài 1)

Thúy Hồng - 02:54, 17/07/2024

Với quyết tâm xóa bỏ các hủ tục, góp phần xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ, nhiều tấm gương phụ nữ DTTS đã vượt qua các rào cản, định kiến, tiên phong vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cương quyết xóa bỏ các hủ tục. Nhờ đó, nhiều hủ tục ở vùng đồng bào DTTS đã được đẩy lùi, tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều phụ nữ DTTS vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

Bà Hồ Thị Con (người ngồi giữa) tiên phong phá bỏ tục ""nối dây" của người Bru- Vân Kiều trao đổi tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới do Hội LHPN Việt Nam tổ chức đầu tháng 3/2024 tại tỉnh Điện Biên.
Bà Hồ Thị Con (người ngồi giữa) tiên phong phá bỏ tục "nối dây" của người Bru- Vân Kiều trao đổi tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới do Hội LHPN Việt Nam tổ chức đầu tháng 3/2024 tại tỉnh Điện Biên.

Tiên phong xóa bỏ tục “nối dây” của người phụ nữ Bru Vân Kiều

Bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, là địa phương có đông đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống. Trước đây, đời sống đồng bào còn khá khó khăn, nhiều hủ tục, điển hình như tục nối dây - một trong những luật tục tồn tại trong cuộc sống của bà con qua rất nhiều đời.

Theo luật tục, những trường hợp chồng chết, nhà chồng có anh, em trai thì người vợ tiếp tục kết hôn với anh hoặc em trai chồng, nếu không có anh, em trai, người vợ phải lấy cháu họ của chồng, cho dù người cháu này kém rất nhiều tuổi. Nếu ai không tuân thủ theo thì sẽ bị trừng phạt bằng cách đuổi ra khỏi dòng họ; hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được mang theo của cải cũng như con cái. 

Các gia đình cho rằng, sự tồn tại của luật tục này là muốn của cải và sức lao động luôn tập trung trong một gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, mong muốn này đã chà đạp lên quyền tự do, sự tự nguyện và hôn nhân hạnh phúc gia đình.

Không cam chịu với những luật tục hà khắc, lạc hậu, bà Hồ Thị Con, người phụ nữ Bru Vân Kiều ở bản Bến Đường đã dám đứng lên tiên phong phá bỏ tục “nối dây”.

Bà Hồ Thị Con kể, năm 1974, khi đó bà vừa tròn 18 tuổi đã kết hôn với chồng là ông Hồ Văn Cu, sau đó những đứa con lần lượt ra đời, trong sự vui mừng phấn khởi của hai vợ chồng. Thế nhưng vào năm 2002, chồng bà Con lâm bệnh nặng và qua đời, để lại cho bà 6 người con.

Một năm sau ngày chồng mất, theo phong tục của người Bru Vân Kiều, gia đình bên chồng sẽ đánh tiếng đưa bà để bà Hồ Văn Con về làm vợ của em ruột chồng, là ông Hồ Văn Thục. Người đầu tiên bên nhà chồng sang đánh tiếng với bà lại chính là Hồ Thị Nòn (vợ của Thục). Rất nhiều lần bà Nòn sang thuyết phục, động viên bà Con về làm vợ của ông Thục. Tiếp đó, bố chồng lại đến Thục sang thúc giục chị về làm vợ Thục. Thế nhưng, bà Hồ Thị Con đều tìm cách trì hoãn. 

Khi đó bà Con đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trường Sơn, bà được cán bộ xã động viên không nên theo tục lệ cũ. Trì hoãn mãi, cuối cùng, bà Hồ Thị Con trao đổi, nói chuyện, bày tỏ quan điểm thẳng thắn với bố chồng: “Con xin ra khỏi họ để một mình nuôi con, thờ chồng”.

Khi hay tin bà Hồ Thị Con có ý định phá tục "nối dây" người dân trong bản Bến Đường đã rất bức xúc, nhiều người đã đến tận nhà đe dọa bà Hồ Thị Con vì dám làm trái luật tục có từ bao đời. Có người còn nói với bà Con rằng "mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi về bắt cả bản phải mang bệnh tật…".

Ngày tháng trôi qua nhưng chẳng thấy tai họa nào ập xuống với bản và gia đình, nhiều người bắt đầu tin lời của bà Con và học theo bà không "nối dây" nữa. Sau đó, bà mạnh dạn nhận đất trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng cây ăn quả. Nhờ chăm chỉ và chịu khó học hỏi, đời sống của gia đình bà từng bước được nâng cao. Các con của bà đều học hành tốt, hiếu thảo, gắn bó với gia đình bên nội.

Từ chính cuộc sống bản thân, bà Con đã tích cực đến từng bản, từng nhà trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện nếp sống mới, loại bỏ những tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế gia đình.

Ở vùng DTTS đã có nhiều tấm gương phụ nữ tiên phong xóa bỏ hủ tục, vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
Ở vùng DTTS đã có nhiều tấm gương phụ nữ tiên phong xóa bỏ hủ tục, vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần

Chia sẻ tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS trong thúc đẩy bình đẳng giới” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 3/2024 tại Điện Biên, bà Hồ Thị Con cho biết: Trước đây, nhiều người rất sợ việc "nối dây" vì rất khổ. Lấy em hay anh chồng lại có thêm con, nhà ở thì chật chội, nghèo lại càng nghèo thêm. Nhưng họ đều không dám phản đối việc này vì sợ rằng nếu phá tục thì sẽ bị ma núi trừng phạt.

Nhưng từ sự tiên phong của bà Hồ Thị Con phá bỏ luật tục "nối dây" của người Bru Vân Kiều đã phá bỏ được rào cản, làm thay đổi nhận thức của dân bản để từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con. Nhờ bà Hồ Thị Con mà ở xã Trường Sơn bây giờ, không còn ai bắt ép phụ nữ phải "nối dây" và cũng không ai muốn "nối dây" như trước nữa.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS từng bước được đẩy lùi
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên các hủ tục ở vùng đồng bào DTTS từng bước được đẩy lùi

Xây dựng nếp sống văn minh

Đối với phong tục của đồng bào dân tộc Mông, việc tổ chức thực hiện tang lễ cho người chết vẫn còn tồn tại những hủ tục như: Bắn súng thông báo khi có người chết; người chết chưa được đưa vào trong quan tài mà để trong nhà chấm cơm từ 3 đến 7 ngày; không có nghĩa địa để chôn người chết tập trung và nhiều thủ tục nghi lễ rườm rà, tốn kém trong đám tang...

Người Mông cho rằng, nếu không thực hiện các hủ tục này sẽ gặp xui xẻo, rủi ro, ốm đau, hoạn nạn cho gia đình vì không thực hiện tang lễ cho người chết theo truyền thống của ông cha từ bao đời nay.

Là người phụ nữ dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở vùng núi đá đã hơn 40 năm nên chị  Thò Thị Say, xã Lũng Chinh, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hiểu được những hủ tục này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống mà còn khiến nhiều hộ đã khó khăn lại càng thêm nghèo, thêm khó khăn.

Chị Say tâm sự: “Trước đây, trong dòng họ Thò chúng tôi mỗi khi nhà nào có người chết đều rất tốn kém. Bao nhiêu gia súc trong nhà phải mổ hết để làm ma nên có nhiều hộ đang khá giả lại trở thành hộ đói, nghèo".

Khi Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập mô hình “Dòng họ Thò không giết mổ quá 1 con bò và 6 con gia súc trong đám tang”, chị Say đã nhiệt tình hưởng ứng và động viên các hộ trong dòng họ cùng tham gia. Theo chị Say, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động  nên hiện nay, người trong dòng họ Thò nói riêng và người dân trong bản, trong xã đã dần hiểu nên không giết mổ nhiều gia súc nữa, nhiều hộ cũng cam kết không làm đám ma dài ngày và đưa người chết vào áo quan.

Câu chuyện của bà Hồ Thị Con và chị Thò Thị Say chỉ là số ít ví dụ về những người phụ nữ tiên phong xóa bỏ hủ tục. Qua thực tế thực hiện công tác bình đẳng giới ở vùng DTTS, những năm qua đã có rất nhiều tấm gương phụ nữ tiên phong xóa bỏ hủ tục, vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Những tấm gương đó là động lực mạnh mẽ cho những phụ nữ DTTS vượt qua định kiến, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới.