Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuẩn bị sẵn sàng khi dịch còn chưa phức tạp

PV - 19:35, 28/06/2021

Chiều 28/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo với các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị kể cả khi chưa có dịch các tỉnh vẫn phải tăng cường xét nghiệm, cố gắng giữ an toàn cao nhất cho các bệnh viện - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị kể cả khi chưa có dịch các tỉnh vẫn phải tăng cường xét nghiệm, cố gắng giữ an toàn cao nhất cho các bệnh viện - Ảnh: VGP/Đình Nam

Nhiều F0 đã qua thời gian lây nhiễm dài

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi nhận định tình hình dịch tại địa phương sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do khi phát hiện các F0 đã qua thời gian lây nhiễm dài, các F0 có mặt tại những nơi tập trung đông người như chợ, đám giỗ, tiệc sinh nhật... Đơn cử, tại Phú Yên, trong khi F1 âm tính thì F2, F3 lại trở thành F0.

Mặc dù năng lực phòng chống dịch đáp ứng được tình hình dịch bệnh hiện nay nhưng các tỉnh đều đang khẩn trương nâng công suất điều trị, xét nghiệm, khu cách ly tập trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, đến nay, tỉnh đã ghi nhận 58 ca mắc COVID-19, 586 F1 và 2.598 F2. Trường hợp F0 đầu tiên liên quan đến quán cơm - nơi 1 tài xế mắc COVID-19 từ TPHCM dừng chân. Từ quán cơm, chuỗi lây nhiễm đã trải qua thời gian dài, với mức độ tiếp xúc trong cộng đồng lớn. Nhiều trường hợp là F1, F2 thành F0. Tỉnh đã chuẩn bị kịch bản điều trị lên tới 500 giường và cách ly 7.000 người.

“Phú Yên đã kích hoạt các khu cách ly và BV dã chiến có công suất trên 100 giường và cố gắng sẽ tăng lên 200 giường. Toàn tỉnh Phú Yên đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và một số khu vực áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Năng lực xét nghiệm của Phú Yên là 1.000 mẫu đơn/ngày và dự kiến trong vài ngày tới sẽ tăng lên 4.000 mẫu đơn/ngày”, ông Thế nói.

Đến 12h trưa 28/6, Quảng Ngãi phát sinh 41 ca F0, 205 ca F1 và hơn 400 F2. Nguồn lây từ lái xe đường dài và ngư dân đi biển về. UBND tỉnh đã truy vết, khoanh vùng dập dịch sớm. Quảng Ngãi vẫn đang kiểm soát tốt, tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. Quảng Ngãi đã nâng cảnh báo lên mức “nguy cơ cao” bởi số ca F0 trong cộng đồng đã xuất hiện trong nửa tháng qua và đã có nhiều hoạt động đi lại, giao lưu nhiều. Tỉnh đang khai thác triệt để các cơ sở cách ly và điều trị với công suất 5.000 F1 và 500 F0.

“Quảng Ngãi đang vào cuộc quyết liệt để dập dịch trong thời gian sớm nhất”, lãnh đạo Quảng Ngãi khẳng định.

Tại tỉnh Khánh Hòa, từ 2 ca F0 lây nhiễm trong cộng đồng đã truy vết được 122 F1 và hơn 1.300 F2, tất cả đều có xét nghiệm lần 1 âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tỉnh Bình Thuận phát hiện ca F0 đầu tiên đêm 23/6 là bác sĩ khoa Sản BVĐK tỉnh, đã đi trên chuyến xe khách có ca mắc COVID-19. Đến nay, đã ghi nhận 7 trường hợp mắc và 6 ca nghi mắc. Đồng thời truy vết 1.500 F1 và hơn 3.000 F2. Tiếp tục chỉ đạo nâng gấp đôi công suất xét nghiệm, cơ sở điều trị. Bình Thuận đã giãn cách 3 địa phương gồm 2 huyện và TP. Phan Thiết theo Chỉ thị 15/CT-TTg, tiếp tục truy vết các F1-F2 trong những ngày tới. Với BVĐK tỉnh Bình Thuận đang được phong tỏa, có 976 các y bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân được xét nghiệm lần 2 và có kết quả âm tính.

“Ca mắc liên quan đến chuyến xe khách từ TP.HCM đi Hải Phòng. Do diễn biến dịch có những yếu tố nguy cơ mới, theo đó, tỉnh đề xuất Bộ GTVT và các địa phương có cơ chế kiểm soát xe liên tỉnh chặt hơn để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm và các trường hợp mắc bệnh tương tự”, lãnh đạo Bình Thuận đề xuất.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết dù chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhưng sau khi 2 tỉnh lân cận là Quảng Ngãi và Phú Yên phát hiện ca mắc, Bình Định xác định nguy cơ dịch xâm nhập cao. Một số trường hợp F0 tại Phú Yên và Quảng Ngãi đã có tiếp xúc với người dân trong tỉnh Bình Định. Trong đó, có 2 trường hợp ở Bình Định nhưng làm ăn tại Quảng Ngãi dương tính và đang được thực hiện xét nghiệm PCR để khẳng định. Với 2 trường hợp này, tỉnh đã truy vết được 100 F1 và 150 F2.

Các tỉnh cũng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo những địa phương có dịch đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, thông báo kết quả sớm nhất (nhất là các F0) cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) những tỉnh có liên quan để nhanh chóng truy vết kịp thời.

Các tỉnh đề nghị được hỗ trợ thêm sinh phẩm xét nghiệm Realtime-PCR, sinh phẩm xét nghiệm nhanh, vaccine phòng COVID-19…

Tập trung ca chỉ điểm, khu vực nguy cơ cao

PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng ở những tỉnh nêu trên đang xuất hiện các ca bệnh rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, nhưng có nơi bùng lên, nơi không, cho thấy quan trọng nhất là vẫn phải thực hiện nghiêm 5K. Trong truy vết, các tỉnh cần phát hiện sớm các ca chỉ điểm có dấu hiệu sốt, ho, khó thở. Việc xét nghiệm tầm soát cần tập trung vào những khu vực trọng tâm, trọng điểm không thực hiện lan tràn.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, các tỉnh phải hết sức lưu ý việc quyết định phạm vi khoanh vùng phong tỏa. Có những nơi dịch chỉ ở một thôn, một vài xã nhưng lại khoanh vùng cả huyện, cả thành phố, mà không hiệu quả do không đủ người để kiểm soát chặt. Vì vậy, đã xác định được ổ dịch phải khoanh gọn nhất có thể, kiểm soát thật chặt, nếu để khoanh rộng mà bên trong lỏng thì dịch bệnh vẫn lây lan nhanh.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện số lượng xe khách hoạt động tại 5 tỉnh này nhiều, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Các tỉnh phải bố trí điểm đón đỗ dành riêng cho xe khách liên tỉnh để kiểm soát người di chuyển qua lại.

“Càng hạn chế hành khách xuống, hành khách lên dọc tuyến vận tải thì chúng ta càng hạn chế được nguy cơ dịch bệnh lây lan”, ông Trần Đắc Phu trao đổi thêm.

Giải đáp về yêu cầu lái xe đường dài phải được xét nghiệm COVID-19 khi đi qua các tỉnh, đại diện Bộ Y tế cho biết, ngày 28/6, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương công khai địa điểm xét nghiệm, coi lái xe đường dài như đối tượng chỉ định xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc trao đổi thông tin về các F0, F1, F2 giữa vùng có dịch và địa phương có liên quan đang bị chậm. Các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận có nhiều tuyến vận tải liên tỉnh đi qua, nhiều khu du lịch biển… nên nguy cơ dịch bệnh rất lớn.

Do vậy, trong công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng đề nghị kể cả khi chưa có dịch các tỉnh vẫn phải tăng cường xét nghiệm, cố gắng giữ an toàn cao nhất cho các bệnh viện; xác định những khu vực có nguy cơ cao ngoài cộng đồng (bến tàu, bến xe, chợ…) để xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, chủ yếu sử dụng phương pháp Realtime-PCR mẫu gộp, vì xét nghiệm nhanh chỉ có hiệu quả khi dịch diễn biến phức tạp. Các tỉnh cũng cần chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm.

Phó Thủ tướng lưu ý, với biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nếu khu cách ly tập trung làm không nghiêm ngặt, mật độ không đủ thưa thì nguy cơ lây nhiễm chéo rất lớn. Các tỉnh cũng cần tính đến phương án lập các khu cách ly tập trung tại chỗ trong tình huống dịch diễn biến phức tạp.

Trong khu, cụm công nghiệp, các địa phương phải chỉ đạo thực hiện ngay khai báo y tế, nắm lại toàn bộ danh sách công nhân; kiểm tra phương án phòng chống dịch tại các DN, nhà máy, trong đó có việc phân lại ca, kíp sản xuất cho công nhân theo nơi cư trú…

Về thực hiện khoanh vùng, giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một trong những yêu cầu lớn nhất của giãn cách xã hội là không để có những chỗ tập trung đông người, để ngăn tiếp xúc, làm chậm tốc độ lây của virus. Khoanh rộng hay hẹp tuỳ tình hình địa phương nhưng “khoanh phải ra khoanh”, sau đó khẩn trương xét nghiệm nhanh nhất để xác định phạm vi gọn, chặt hơn nữa. Các tỉnh cần quán triệt tinh thần của Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19./.