Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chưa tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

PV - 17:54, 12/07/2018

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, ngày 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Theo tờ trình về biểu thuế bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu sẽ được tăng tối đa trong khung cho phép. Cụ thể, thuế môi trường với xăng (trừ ethanol) sẽ tăng 1.000 đồng, lên 4.000 đồng một lít. Dầu diesel tăng thêm 500 đồng thuế lên 2.000 đồng; dầu hỏa tăng 700 đồng, lên 1.000 đồng một lít. Còn dầu madút, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng đề nghị tăng thêm 1.100 đồng mỗi lít so với hiện nay, lên 2.000 đồng một lít. Riêng xăng nhiên liệu bay được giữ nguyên như hiện hành, vì mức thuế hiện đã ở mức trần trong khung thuế cho phép. Dự kiến thời gian điều chỉnh từ ngày 1-10 tới.

xăng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, giá xăng ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, khi đứng vị trí 47 trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước). Giá xăng của Việt Nam thấp hơn Lào là 5.556 đồng, Campuchia là 3.745 đồng, Trung Quốc là 1.468 đồng, Singapore là 17.394 đồng mỗi lít...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Việc điều chỉnh tăng mức thuế môi trường với các mặt hàng bảo đảm trong khung thuế cho phép và phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Luật thuế Bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính tính toán, với phương án điều chỉnh như trên, số thu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là 55.096 tỷ đồng mỗi năm, tăng 14.368 tỷ đồng.

Thừa nhận việc tăng thuế sẽ khiến CPI bình quân năm 2018 tăng khoảng 0,11-0,15%, song Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (xăng E5, xăng E10, dầu diesel B5…). Từ đó sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản nhất trí việc điều chỉnh sắc thuế này. Song Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn tác động của việc tăng thuế đến hiệu quả của nền kinh tế, sản xuất, đời sống người dân và chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn tăng thu từ thuế bảo vệ môi trường cần được ưu tiên bố trí để xử lý, khắc phục hậu quả môi trường.

“Đề nghị cân nhắc việc tăng thuế suất môi trường với mặt hàng xăng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với mặt hàng dầu madut, có ý kiến đề nghị tăng thuế suất thấp hơn, chưa nên tăng lên kịch trần 2.000 đồng một lít do đây vẫn là đầu vào của một số ngành sản xuất hàng hóa”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải kiến nghị.

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thời điểm tăng thuế môi trường với các mặt hàng này trong bối cảnh cân đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018 dưới 4%. “Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng đầu năm tăng cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% và dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%. Ngoài ra, từ ngày 1-9-2018, khi vào năm học mới, nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí các cấp… nên thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết cần được xem xét và cân nhắc cho phù hợp”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải lưu ý.

Thảo luận tại phiên họp, sau khi lắng nghe nhiều ý kiến còn khác nhau về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan thường trực Quốc hội chưa biểu quyết, chưa ban hành Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu, than đá... Do đó, dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận ở phiên họp thứ 26, diễn ra vào tháng 8 tới.

THEO QĐND