Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chú trọng giáo dục giới tính trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em để giảm thiểu tình trạng tảo hôn

Thanh Phong - 21:52, 03/11/2023

Những năm gần đây, ngày càng nhiều trẻ em vị thành niên mang thai, sinh con ngoài ý muốn. Điều này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội và chất lượng dân số.

Không chỉ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở những trung tâm thành phố lớn, tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai, sinh con ngoài ý muốn, tình trạng kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật ngày càng nhiều. Hơn lúc nào hết, vấn đề giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cần phải được quan tâm đúng mức.

Thông qua việc Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết tuyên truyền
Thông qua việc Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho người dân

Bỏ học để làm mẹ

Về sức khỏe, trẻ em gái mang thai khi cơ thể phát triển chưa hoàn thiện dễ dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và con do những biến chứng thai kỳ. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Trong quá trình lớn lên, những em bé này sẽ khó có thể nhận được sự chăm sóc đầy đủ do mẹ thiếu kiến thức và kỹ năng trong nuôi dạy con cái.

Về giáo dục, một trong những hậu quả dễ nhìn thấy nhất khi mang thai ở tuổi vị thành niên, việc học hành bị ảnh hưởng rõ rệt, các em có thể phải tạm dừng học hoặc thậm chí bỏ học. Hệ quả là các em sẽ thiệt thòi hơn các bạn bè cùng lứa về cơ hội học hành, việc làm.

Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng với ánh sáng lờ mờ, Sùng Mý Cho, 17 tuổi, dân tộc Mông, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đang ngồi lặng lẽ ôm con. Giống như nhiều cô gái khác, Cho lấy chồng từ khi còn là học sinh.

Sùng Mý Cho chia sẻ: Khi học lớp 7, em và chồng đã yêu nhau, được một năm thì chồng em bảo về lấy nhau, mặc dù em chưa muốn, nhưng vì có bầu nên em đành phải nghỉ học, lúc đó em đang học dở lớp 8.

Người mẹ trẻ cho biết, cuộc sống gia đình khó khăn, lo ăn từng bữa, chồng mình đã đi xuống dưới xuôi để đi làm thuê, hiện chỉ có hai mẹ con ở nhà chăm nhau.

Ở thôn Đắk Lai, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cô gái nhỏ người Xơ Đăng Y D. cho biết, vì hoàn cảnh khó khăn mà em quyết định nghỉ học để có chồng và sinh con khi mới 13 tuổi. Em D. cho biết: Vì lấy chồng sớm nên đến nay em đã có 2 đứa con, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Vì cả 2 vợ chồng còn nhỏ nên cũng không ai thuê mướn đi làm, không tìm được việc làm nên gia đình đến bữa có gì ăn đấy.

Một buổi tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường Tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái)
Một buổi tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường Tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái)

Cần tăng cường công tác giáo dục giới tính

Hiện nay, có thể nhận thấy rằng, một số trẻ vị thành niên có thái độ khá cởi mở về tình yêu và tình dục, nhưng các em lại thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản và tình dục. Trong khi đó, giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản chưa được chú trọng đúng mức và chưa có sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của các cơ quan có trách nhiệm liên quan, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình.

Các nội dung về giáo dục giới tính, sức khoẻ tình dục trong nhà trường hiện nay còn chưa thực sự hiệu quả do nội dung, thời điểm và phương thức giảng dạy. Giáo viên chưa có đủ kỹ năng, phương pháp để giao tiếp, kết nối với học sinh, tạo ra một môi trường thoải mái để các em có thể chia sẻ những khúc mắc để có thể hỗ trợ cho trẻ kịp thời.

Một buổi tuyên truyền về phòng chống tảo hôn
Một buổi tuyên truyền về phòng chống tảo hôn

Trong khi đó, nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục giới tính cho con. Nhiều cha mẹ còn phó mặc cho nhà trường hoặc cho rằng tình dục là riêng tư, tế nhị, con cái sẽ tự nhận biết khi lớn lên nên thường né tránh, đề cập. Thậm chí, khi trẻ có nhu cầu tìm hiểu, không ít phụ huynh đã vội vàng "dán nhãn", quy chụp rằng trẻ không ngoan và sợ rằng mình đang “vẽ đường cho hươu chạy”.

Việc thiếu lòng tin, sự thấu hiểu lẫn nhau giữa phụ huynh và con cái đã dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa bố mẹ và trẻ em trong việc đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản hay hiểu biết về tình dục an toàn. Một số gia đình thiếu sự quan tâm nên không phát hiện được những biểu hiện bất thường ở con.

Giáo dục giới tính trong nhà trường đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh dân tộc tảo hôn và bỏ học tại huyện vùng cao huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Giáo dục giới tính trong nhà trường đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh DTTS tảo hôn và bỏ học tại huyện vùng cao huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Bên cạnh đó, trên môi trường internet hiện nay, việc quản lý các trang mạng thông tin độc hại, trụy lạc, hành vi khiêu dâm… trên internet của các cơ quan chức năng còn hạn chế nên chưa tạo được hàng rào bảo vệ trẻ em. Hơn nữa, cần thay đổi nhận thức, phương pháp giáo dục trẻ em. Thay vì cấm đoán, bao bọc, gia đình, nhà trường và xã hội hãy đồng hành cùng trẻ em, tạo ra môi trường phù hợp để trẻ em có thể chia sẻ những thắc mắc của mình về giới tính, tình dục, đồng thời hướng dẫn trẻ em về tình yêu, tình bạn, về tình dục an toàn và những biện pháp để bảo vệ mình đúng cách.

Để lấp được những lỗ hổng trong việc giáo dục giới tính, thiết nghĩ, trước hết, cần đặt vấn đề giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các cơ quan liên ngành, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín, trưởng các dòng họ trong công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 – 2025; cùng với trách nhiệm của các ngành chức năng, kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số.